Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) ngày 27/5 sẽ tổ chức hội nghị thường niên ở Houston, quy tụ các thành viên hàng đầu và cả những người theo đường lối bảo thủ nổi tiếng, trong đó có cựu tổng thống Donald Trump. Đây là lần đầu tiên NRA tổ chức hội nghị sau hai năm phải hủy vì đại dịch Covid-19.
Ông Trump sẽ phát biểu tại hội nghị, nhưng những người tham dự sẽ không được phép mang súng trong thời gian cựu tổng thống Mỹ đăng đàn. Hội nghị của NRA diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ xả súng ở trường tiểu học Robb tại Uvalde, Texas, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và làm dấy lên tranh cãi về quy định kiểm soát súng đạn tại Mỹ, cũng như vai trò của NRA.
NRA là gì?
NRA được hai cựu chiến binh thành lập năm 1871 như một nhóm tiêu khiển nhằm "thúc đẩy và khuyến khích hoạt động bắn súng trên cơ sở khoa học".
Từ một nhóm dành cho những người mê bắn súng, NRA bắt đầu tham gia vào vận động hành lang chính trị từ năm 1934, khi ban lãnh đạo viết thư cho các thành viên để thông báo về những dự luật liên quan đến súng đạn mà quốc hội đang thảo luận.
NRA ủng hộ hai đạo luật kiểm soát súng đạn là Đạo luật Súng quốc gia năm 1934 (NFA) và Đạo luật Kiểm soát Súng năm 1968 (GCA), nhưng tham gia sâu hơn vào hoạt động chính trị sau khi GCA được thông qua.
Năm 1975, NRA bắt đầu tìm cách tác động trực tiếp tới chính sách Mỹ thông qua một nhóm vận động hành lang mới thành lập là Viện Hành động Lập pháp. Năm 1977, NRA tiếp tục thành lập Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) của riêng mình, để chuyển tiền ủng hộ cho các nghị sĩ.
NRA hiện được đánh giá là một trong những nhóm vận động hành lang đặc quyền mạnh nhất ở Mỹ, với ngân sách đáng kể để tác động tới các thành viên quốc hội về những chính sách súng đạn.
Các công tố viên ở Washington và New York đang nỗ lực đấu tranh pháp lý để giải thể NRA, với cáo buộc lãnh đạo nhóm này dùng tiền từ thiện để tiêu xài cá nhân. NRA gọi vụ kiện là "cuộc tấn công vô căn cứ được tính toán từ trước".
Ngân sách của NRA lớn cỡ nào?
Năm 2020, NRA chi tiêu khoảng 250 triệu USD, lớn hơn tất cả các nhóm vận động kiểm soát súng của Mỹ cộng lại. NRA cũng sở hữu lượng thành viên lớn nhất và sử dụng quỹ của nhóm dành cho súng trường cùng các chương trình giáo dục.
Về vận động hành lang, NRA chi khoảng 3 triệu USD mỗi năm để tác động tới chính sách súng của Mỹ, với mức chi kỷ lục 3,3 triệu USD vào năm 2014. Tuy nhiên, đó chỉ là những đóng góp dành cho các nghị sĩ, trong khi những khoản khác được chi qua PAC và các khoản đóng góp độc lập của nhóm rất khó theo dõi.
Giới phân tích chỉ ra rằng NRA cũng có ảnh hưởng gián tiếp đáng kể với chính sách súng đạn Mỹ thông qua các thành viên của nhóm tham gia chính trường. NRA công khai xếp hạng các nghị sĩ theo thứ tự từ A đến F về mức độ những người này ủng hộ quyền sử dụng súng.
Sau chiến thắng của ông Trump năm 2016, chi tiêu của NRA cho các chiến dịch chính trị đã giảm. Điều này xảy ra trong bối cảnh Mỹ ghi nhận xu hướng gia tăng các nhóm ủng hộ kiểm soát súng, được cho là đã nhận hàng triệu USD từ những người phản đối hầu hết chính sách của NRA. Các nhóm ủng hộ kiểm soát súng đạn Mỹ được đánh giá lần đầu vượt ảnh hưởng của NRA thông qua biện pháp này vào năm 2018.
Quy mô của NRA
Các ước tính về quy mô thành viên của NRA thay đổi trong nhiều thập kỷ. Hiệp hội tuyên bố rằng số thành viên đã tăng lên gần 5 triệu người sau vụ xả súng hàng loạt ở trường Sandy Hook vào năm 2012. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng NRA có gần ba triệu hội viên, cáo buộc tổ chức này thổi phồng con số.
NRA cũng tự hào về một số thành viên cấp cao, trong đó có cố tổng thống Mỹ George HW Bush. Ông Bush rời NRA vào năm 1995, sau khi Phó chủ tịch hiệp hội Wayne LaPierre chỉ trích các đặc vụ liên bang Mỹ là "những tên côn đồ bạo lực" sau vụ đánh bom vào tòa nhà chính quyền ở Oklahoma City.
Các thành viên nổi bật hiện tại của NRA có cựu ứng viên phó tổng thống Mỹ Sarah Palin và các diễn viên Tom Selleck, Whoopi Goldberg.
Lý do NRA gây tranh cãi
NRA vận động hành lang mạnh mẽ chống lại mọi hình thức kiểm soát súng đạn và lập luận rằng nhiều súng hơn sẽ khiến nước Mỹ an toàn hơn. Nhóm này dựa vào Tu chính án thứ hai trong Hiến pháp Mỹ, lập luận rằng công dân Mỹ có quyền mang vũ khí mà không phải chịu bất cứ sự giám sát nào từ chính quyền.
NRA từng đối mặt chỉ trích kịch liệt từ lưỡng đảng Mỹ sau vụ xả súng Sandy Hook, do ông LaPierre phát biểu rằng việc thiếu một bảo vệ có súng trong trường học chính là nguyên nhân gây ra thảm kịch.
NRA kiên quyết phản đối hầu hết các quy định, đạo luật hạn chế quyền sở hữu súng của cấp hạt, bang và liên bang. NRA còn vận động hành lang để cảnh sát bán lại những khẩu súng tịch thu, lập luận rằng tiêu hủy vũ khí trên thực tế là lãng phí những khẩu súng vẫn có thể sử dụng tốt.
Nhóm này cũng ủng hộ ủng hộ mạnh mẽ các điều luật mở rộng quyền sử dụng súng, như cho phép chủ sở hữu mang theo súng ở hầu hết các nơi công cộng.
Ngọc Ánh (Theo BBC)