30 năm trước cô giáo dạy môn Văn của tôi đã nói một nhà thơ nổi tiếng 8 tuổi đã sáng tác thơ, "nhưng chưa chắc đã hiểu hết những phép tu từ hay ngữ pháp tiếng Việt. Vì chương trình viết như vậy nên cô dạy cho các em học được bao nhiêu thì học, sau này trưởng thành có điều kiện thì các em nên tìm hiểu lại cho kỹ. Học môn Văn chính là học hiểu ngôn ngữ tiếng Việt".
Ngày còn đi học, tôi chấp nhận toàn bộ thời gian từ cấp I đến hết lớp 9 học môn Ngữ Văn chỉ để cho qua. Đến cấp III thì kỹ năng ngôn ngữ phát triển đầy đủ, viết văn thông thạo và tới lớp 12 tôi thành học sinh giỏi môn Văn.
Bây giờ con tôi đang học lớp 7 chương trình mới, sách giáo khoa mới nhưng vẫn không khác gì trước đây khi quá nặng về ngữ pháp và các bài đọc quá xưa cũ, không gắn với hiện tại nên con tôi suốt ngày đánh vật với môn này.
Cô giáo thì luôn gợi ý học thêm nhưng tôi không cho. Đọc sách Ngữ Văn của con mà tôi cảm giác như đi ngược thời gian trở về thời mình còn đi học vậy.
Dù đã làm mới nhưng sách giáo khoa môn Văn phần lớn vẫn trích dẫn những bài viết từ cách đây rất nhiều năm. Tại sao không dám mạnh dạn bổ sung những bài văn, thơ của các tác giả mới sáng tác gần đây vào sách?
Từ đó giáo viên cũng chẳng dám đổi mới vì sợ sai. Học sinh ngày nay nhưng bắt "cảm thụ tác phẩm" có tuổi đời còn hơn cả ông bà chúng thì sao hiểu nổi. Tại sao không lựa chọn, bổ sung các tác phẩm trong 10 năm gần đây để học sinh dễ hiểu?
>> Những tiết Văn là giờ ngủ của tôi
Nếu Bộ môn Ngữ Văn linh hoạt hơn, mỗi đầu năm sẽ đưa ra một số tác phẩm mới gần đây để học sinh học và phân tích, giáo viên cũng sẽ linh hoạt hơn trong việc dạy và học, từ đó loại bỏ tư duy văn mẫu.
Tôi rất mong Bộ Giáo dục nên chỉ đạo biên soạn sách Ngữ Văn một cách khoa học chứ không phải như hiện nay là cứ mặc định chép lại sách cũ rồi thêm màu sắc là thành sách mới.
Quang Tan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.