Từ lâu tôi có suy nghĩ tại sao không ra đề Văn theo hướng "Anh/chị nghĩ gì về hình tượng nhân vật Thuý Kiều, Thuý Vân?". Như vậy thì sẽ có suy nghĩ thích và không thích và nên tôn trọng người viết.
Đằng này cách ra đề thường thấy đã mớm ý là "phân tích vẻ đẹp" rồi nên học sinh muốn không thích, muốn chê cũng không được. Kiểu như Thuý Kiều, Thuý Vân là phải đẹp. Còn thấy không đẹp vui lòng xem lại đề vậy.
Một tác phẩm dù được đánh giá thế nào thì số lượng người không thấy nó hay, không thẩm được nó vẫn rất nhiều. Trong thực tế nhiều bộ phim đạt giải thưởng rất cao về tính hàn lâm nhưng đem ra chiếu rạp thì chỉ có mỗi tác dụng ru ngủ người xem.
>> Nghị luận văn học đóng khung sự sáng tạo của học sinh
Và một đề thi chỉ đơn thuần hỏi suy nghĩ của học sinh về nhân vật, thích hay ghét thôi thì tôi có thể rút ra kết luận rằng điều duy nhất mà học sinh được dạy trong giờ Văn là đạo văn mẫu còn tính sáng tạo cá nhân đã bị triệt tiêu sạch sẽ, đến suy nghĩ của bản thân về một tác phẩm mà còn bị mớm cho thì còn đòi hỏi sáng tạo gì nữa.
Môi trường học đường đúng ra phải dạy điều cơ bản là học sinh có thể dám nói lên những suy nghĩ, nhận xét của mình về tác phẩm dù lời văn có thể không quá trau chuốt, dẫn chứng có thể không quá chỉnh chu nhưng đó phải thật sự là suy nghĩ và cảm nhận của học sinh chứ không phải được mớm, bắt buộc phải tuân theo barem chấm điểm.
>> 'Ít đọc sách nên lười học Văn'
Dạy theo kiểu "đạo văn mẫu" là một vấn đề nghiêm trọng không thể xem đó là điều cơ bản được bạn nhé. 12 năm học đủ để định hình một con người, thử hỏi đi học thì không dám nói lên ý kiến của mình, rõ ràng chẳng thích tác phẩm đó tí nào lại cứ phải khen hay thì sau nay đi làm liệu có dám bảo vệ chính kiến của mình?
Để kích thích sự sáng tạo của học sinh nên ra những đề văn mở, không có đúng sai. Chấm điểm dựa vào lập luận của học sinh có thuyết phục và rõ ràng không. Ngay từ khi ra đề mà đề chỉ có một chiều để chấm thì còn gì là sáng tạo?
Winter
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.