Sau nhiều năm công tác rửa đường bị dừng, hơn 30 trục đường chính ở TP HCM với tổng chiều dài hơn 260 km, sẽ được rửa thường xuyên trở lại để hạn chế ô nhiễm. Cá nhân tôi không phản đối chuyện rửa đường, tuy nhiên cho rằng đây chỉ là giải pháp xử lý phần ngọn chứ chưa xử lý triệt để tận gốc rễ của vấn đề ô nhiễm môi trường.
Lấy một ví dụ so sánh để thấy, nếu chân bẩn thì chúng phải rửa chân trước khi bước vào nhà, chứ không phải cứ đi chân bẩn vào rồi hì hục lau nhà. Chuyện rửa đường cũng vậy, cùng không rửa đường nhưng vào các quận trung tâm, có thể thấy mức độ ô nhiễm khác hẳn so với các quận vùng ven. Lý do là bởi các quận trung tâm quản lý vấn đề xe ra vào chặt nên đường phố lúc nào cũng sạch sẽ, rác chỉ toàn lá cây. Trong khi các quận vùng ven xe cộ, đặc biệt là xe tải đi lại nhiều, không được che đậy cẩn thận khiến đường phố luôn bẩn.
Còn vấn đề rửa đường giúp giảm nhiệt độ không khí vào mùa hè thì với cái nắng 38-40 độ C ở ta, rửa đường chỉ có tác dụng trong khoảng 15 phút (ở ngoài Bắc) đến một tiếng đồng hồ (ở trong Nam). Chứng đó là quá ít ỏi để mong cải thiện nhiệt độ bên ngoài.
>> 'Chi trăm tỷ rửa đường Hà Nội còn hơn không'
Một bất cập khác của việc rửa đường đó là còn liên quan tới vấn đề nước thải, cống rãnh thoát nước. Hiện nay, hệ thống cống thoát nước ở ta đang trong tình trạng quá tải do nhiều năm chưa có kinh phí nâng cấp. Nếu rửa đường thì cát bụi, rác thải sẽ theo nước trôi xuống cống gây tắc nghẽn, nước thải một số nơi sẽ chảy thẳng ra sông hồ gây ô nhiễm. Các vấn đề này liệu các cơ quan quản lý đã nghĩ tới chưa?
Tôi cho rằng, gốc rễ của vấn đề giảm ô nhiễm môi trường trước tiên phải là khâu quản lý: quản lý tốt việc che đậy xe chở vật liệu xây dựng, đất đá lưu thông trên đường. Sau đó, chúng ta cần phải có chế tài yêu cầu các công trình xây dựng lớn đang thi công phải có máy bơm rửa xe mỗi khi ra vào. Ngoài ra, tiến độ sửa chữa các con đường hư hỏng cũng cần phải được đẩy nhanh hơn nữa... Bên cạnh đó là việc trồng thêm cây xanh để tránh nắng.
Tất cả những hoạt động trên cần phải được triển khai đồng bộ, có hệ thống, vậy mới mong cải thiện được chất lượng không khí tại các thành phố lớn. Sau khi đã làm được những điều trên, chúng ta mới có thể tổ chức các ngày hội rửa xe toàn dân, phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường. Cuối cùng mới đến việc rửa đường, bởi lúc này bụi bẩn đã giảm đi 60-70% rồi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.