(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Trong những năm chiến tranh, tôi sống ở Hà Nội, vẫn thường xuyên thấy có xe rửa đường. Những xe này chỉ rửa đường ở các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, trên những con đường lớn nơi mà các phái đoàn ngoại giao phải đi qua trước khi đến Phủ Chủ tịch. Sau năm 1975, tôi vào Sài Gòn, không còn thấy xe rửa đường nữa. Nhiều dịch vụ công ích bị bãi bỏ vì thời bao cấp rất khó khăn.
Ngày nay, kinh tế tương đối phát triển, khôi phục lại dịch vụ công ích như xe rửa đường là chuyện nên làm. Không riêng gì nước ta, mọi thành phố gọi là "đáng sống" đều có dịch vụ công ích này bất kể khí hậu của họ nóng hay lạnh, ô nhiễm hay không?
Ở Hà Nội hồi đó, xe rửa đường thường hoạt động vào buổi trưa vào lúc nhiệt độ trong ngày cao nhất. Dĩ nhiên, xe rửa đường sẽ không hoạt động vào mùa mưa. Ở các nước hàn đới, xe rửa đường hoạt động vào mùa hè, xe quét tuyết hoạt động vào mùa đông. Nước rửa đường mang theo bụi bặm rác rưởi xuống cống rãnh thì sao? Điều đó cũng chẳng khác gì nước mưa. Các hố ga dọc theo vỉa hè là nơi chặn rác, phải được định kỳ nạo vét. Không định kỳ nạo vét, móc rác lên thì hố ga sẽ mất chức năng lọc rác khiến cho nước bẩn tràn ngược trở lại mặt đường.
>> 'Hơn 100 tỷ đồng rửa đường chỉ giải quyết phần ngọn'
Không phải đường nào cũng được xe rửa đường "chăm sóc". Chỉ có đường nhựa chính quy, hai bên có vỉa hè và hố ga mới có dịch vụ này. Hiện nay, đô thị nở ra, rất nhiều đường có vỉa hè, hố ga thì sao? Xin thưa, chỉ đường nào có mật độ lưu thông cao mới được rửa. Nếu mà rửa toàn thành phố thì hơn trăm tỷ đồng kia chẳng khác gì muối bỏ biển.
Chuyện gì làm được, nên làm, có lợi cho dân thì làm luôn, làm ngay không nên trông chờ vào ý thức vì đó không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Rất nhiều quốc gia kinh tế phát triển nhanh, ý thức xã hội không theo kịp, vẫn xảy ra những chuyện thiếu văn hóa. Với xe chở đất cát vương vãi thì phạt chủ xe lấy tiền đó bổ sung cho việc rửa đường. Thuế, phí, phạt hành vi gì là để tạo nguồn cho các hoạt động tương ứng nên sẽ không có chuyện lãng phí tiền bạc. Lãng phí hay không là chuyện nội bộ của công ty dịch vụ này (có tham nhũng tiêu cực không). Có thu có chi thì sẽ rất ít dùng đến tiền ngân sách (tiền ngân sách chỉ dùng để bù lỗ). Chỉ có chi mà không có thu thì ngân sách sẽ thêm gánh nặng.
Cứ bảo tốn hơn trăm tỷ rửa đường là lãng phí thì đó là cái nhìn quá mức hạn hẹp. Đồng tiền luôn xoay vòng thì ai cũng có việc làm. Đồng tiền nằm chết một chỗ thì thất nghiệp đầy rẫy. Cũng như chuyện mua đất xong kinh doanh luôn trên mảnh đất ấy thì tiền mua đất là đồng tiền xoay vòng. Mua đất xong không làm gì, chờ giá cao bán lại thì tiền mua đất ấy là đồng tiền chết, chỉ làm lợi cho một nhóm người, không có lợi với xã hội (không tạo ra công ăn việc làm).
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.