Thế giới đã có một số công trình nghiên cứu vaccine dạng xịt, ví dụ FluMist được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt hồi tháng 9/2024 hoặc vaccine MPV/S-2P phòng Covid-19 đang thử nghiệm. Tuy nhiên, hiệu quả và thời gian bảo vệ cơ thể của các vaccine này còn để ngỏ. Hiện chỉ có FluMist là vaccine dạng xịt được phê duyệt.
Lý do là đường hô hấp có nhiều rào cản sinh lý để phòng bệnh, khác biệt so với đường uống hoặc đường tiêm. Theo bà Pamela Wong, chuyên gia về miễn dịch học ở Đại học Michigan, vùng mũi có quần thể tế bào T ức chế và tế bào điều chỉnh phản ứng miễn dịch tại chỗ để giảm thiểu hoạt hóa, tránh phản ứng quá mức nếu không nhiễm bệnh. Đường hô hấp cũng thường xuyên sản xuất chất nhầy để thu giữ và đẩy ra các chất xâm nhập cơ thể. Lông mao trên các tế bào biểu mô giúp làm sạch.
Bản thân tế bào biểu mô là trở ngại đối với vaccine. Nếu chỉ tạo ra kháng nguyên bằng cách lấy một hạt nano lipid chứa mRNA của mầm bệnh hoặc protein tái tổ hợp, đưa vào mũi, vaccine sẽ không tạo ra miễn dịch do bị ngăn chặn. Để vaccine hoạt động, kháng nguyên cần tiếp cận các tế bào miễn dịch.
Để giải quyết bài toán trên, nhiều chuyên gia sử dụng adenovirus làm phương tiện trung gian, vì virus này có cơ chế né tránh hàng rào niêm mạc của cơ thể. Virus này đồng thời kích thích hệ thống miễn dịch, vượt qua khả năng bảo vệ của các tế bào biểu mô. Tuy nhiên, thách thức tiếp theo là kháng nguyên có thể không an toàn cho những người bị suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh liệt mặt. Ngoài ra, hệ thống miễn dịch có trí nhớ, không thể tiếp tục sử dụng virus này để kích thích miễn dịch những lần tiếp theo.
Nhiều nhóm nghiên cứu sử dụng thêm tá dược tổng hợp, để kết hợp với kháng nguyên, đảm bảo kích thích miễn dịch. Như nhóm của bà Wong, họ phát triển một loại chất bổ trợ giúp đưa kháng nguyên qua niêm mạc tốt hơn, tạo ra phản ứng kháng thể trong mũi và hệ tuần hoàn.
Theo các chuyên gia, vaccine dạng xịt không thay thế hoàn toàn loại tiêm và uống. Vaccine này sẽ kích thích các quần thể tế bào T và B lưu thông trong cơ thể để tìm kháng nguyên, ngăn ngừa virus xâm nhập đường hô hấp trên.
Những nghiên cứu về dạng vaccine này cũng khởi đầu cho các công trình khác về thuốc dạng xịt mũi và phương pháp đưa thuốc vượt qua niêm mạc khác. Nghiên cứu cũng cung cấp thông số để đo lường xem thuốc hoặc vaccine có hiệu quả hay không.
Chi Lê (Theo The Scientist)