Ngoài giảm tỷ lệ tử vong và tái phát, nguy cơ di căn cũng giảm 62%. Kết quả nói trên trích từ dữ liệu nghiên cứu vaccine lâm sàng giai đoạn 2b, do tập đoàn Merck và Moderna phối hợp thực hiện. Nghiên cứu báo cáo tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư Mỹ diễn ra từ 31/5 đến 4/6.
Trong nghiên cứu, các bệnh nhân chia thành hai nhóm: nhóm một dùng vaccine kết hợp thuốc miễn dịch Keytruda và nhóm hai chỉ dùng thuốc. So sánh hai nhóm, Moderna phát hiện tỷ lệ không tái phát bệnh trong hai năm rưỡi ở nhóm một là 75% thành viên, nhóm hai là 56%. Lợi ích điều trị xuất hiện trên mọi bệnh nhân, bất kể khối u đột biến hay u thông thường, suy giảm miễn dịch.
Theo Reuters, những dữ liệu mới nhất này cho thấy độ bền của vaccine. Tờ Guardian trích lời của giáo sư Georgina Long, nghiên cứu viên chính, cho biết cần thí nghiệm ở quy mô lớn hơn để đánh giá thêm hiệu quả điều trị.
Tập đoàn Merck dự kiến thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hơn vào tháng 7 năm nay, đồng thời thí nghiệm trên bệnh nhân ung thư phổi, thận, bàng quang.
Vaccine mRNA nói trên sử dụng công nghệ tương tự mũi ngừa Covid-19 của Moderna. Liều tiêm được chế tạo tùy chỉnh, dựa trên phân tích khối u của bệnh nhân để huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công tế bào ung thư. Thuốc miễn dịch Keytruda dùng điều trị u ác tính, vô hiệu hóa một loại protein nhất định của tế bào ung thư, giúp tế bào này không còn khả năng trốn tránh hệ thống miễn dịch.
Hiệp hội Ung thư Mỹ nhận định ung thư hắc tố tăng nhanh trong vài thập kỷ qua, là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân. Dự kiến trong năm nay, Mỹ sẽ ghi nhận khoảng 100.000 ca mắc, trong đó khoảng 8.000 ca sẽ tử vong.
Cũng tại hội nghị trên, Đại học Vienna báo cáo về kết quả thử nghiệm vaccine tecemotide dành cho người mắc ung thư vú, đã phẫu thuật. Nghiên cứu có sự tham gia của 400 bệnh nhân ung thư giai đoạn một. Một nửa được kích thích hệ thống miễn dịch bằng vaccine trước mổ, số còn lại điều trị theo phương pháp thông thường như hóa, xạ trị, phẫu thuật. Sau 7 năm, 81% người bệnh vẫn sống, không tái phát bệnh còn nhóm điều trị thông thường chỉ có tỷ lệ 65%. Nghĩa là với phương pháp kích thích hệ thống miễn dịch bằng vaccine trước mổ, tỷ lệ sống sót tăng lên khoảng 16%.
Ung thư hắc tố da xuất phát từ tế bào hắc tố quyết định màu sắc trên da. Bệnh ác tính, thường tiến triển nhanh, gây di căn sớm và nguy cơ tử vong cao. Khi di căn xa, việc điều trị khó khăn, tốn kém, hiệu quả thấp.
Chi Lê (Theo Guardian, Times, Forbes)