Trả lời:
Trẻ nhỏ là đối tượng nguy cơ khi mắc các bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib... Tiêm vaccine không chỉ giúp trẻ tránh mắc bệnh, còn giảm được tỷ lệ trở nặng, các biến chứng và nhập viện.
Theo hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm vaccine đối với trẻ em của Bộ Y tế, trẻ cần được hoãn tiêm vaccine trong các trường hợp: bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, suy giảm ý thức, mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng, đang điều trị hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid toàn thân, đang điều trị bệnh ung thư, có cân nặng dưới 2 kg, có tiền sử phản ứng tăng dần với các loại vaccine...
Trẻ có thể tiêm vaccine khi đáp ứng các điều kiện: đã khỏi bệnh, ngưng điều trị kháng sinh 7-10 ngày, không còn các triệu chứng của viêm phổi hoặc không có bệnh lý nhiễm trùng cấp tính khác. Lý do, hệ miễn dịch của trẻ đã ổn định và không còn chịu ảnh hưởng của bệnh cũ, sẽ đáp ứng tốt với việc tiêm thuốc.
Trước tiêm, trẻ cần được bác sĩ khám sàng lọc kỹ và đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát để đưa ra quyết định tiêm chủng phù hợp. Phụ huynh cần chia sẻ đầy đủ các vấn đề sức khỏe của con với bác sĩ để đảm bảo tiêm chủng an toàn, không có phản ứng bất thường xảy ra.
Tiêm vaccine là cách phòng bệnh cho trẻ hiệu quả với tác nhân gây viêm phổi như cúm, phế cầu, bạch hầu, ho gà, Haemophilus influenzae type B (Hib), sởi, thủy đậu, não mô cầu.
Hiện Việt Nam có vaccine 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) và Infanrix Hexa (Bỉ), ngừa 6 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Hib gây ra. Lịch tiêm 4 mũi khi 2, 3, 4 tháng và 16-18 tháng, cần hoàn thành trước hai tuổi. Vaccine có thể tiêm sớm từ 6 tuần tuổi.
Vaccine cúm phòng 4 chủng gồm A (H1N1, H3N2) và B (Yamagata, Victoria), tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Sau lịch tiêm cơ bản, mỗi năm cần tiêm nhắc một mũi.
Vaccine não mô cầu có ba loại, dành cho trẻ từ hai tháng tuổi đến người 55 tuổi, phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh phổ biến gồm A, B, C, Y, W-135.
Mũi ngừa sởi có các loại đơn và phối hợp phòng nhiều bệnh, phổ biến cho trẻ em và người lớn, tiêm từ 9 tháng tuổi.
Còn thủy đậu có ba loại, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, mỗi người cần tiêm đủ hai mũi.
Với phế cầu, trẻ có thể tiêm từ 6 tuần tuổi loại phòng 10 hoặc 13 chủng vi khuẩn. Sau đó, từ 2 tuổi, trẻ cần tiêm tiếp mũi phế cầu 23.
Ngoài vaccine, bạn nên cho con ăn đủ chất dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, mang khẩu trang khi ra đường, giữ nơi ở sạch sẽ và thoáng mát... để phòng ngừa. Khi trẻ mắc bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt, không nên tự uống thuốc.
Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc
Quản lý Y khoa Vùng 1 - Đông Nam Bộ, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.