Gia đình ông anh ruột của tôi chỉ có một đứa con gái. Khi cháu học xong phổ thông thì gia đình hướng cho cháu học một trường chuyên nghiệp ở trong nước, sau đó xin việc để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên ngay từ khi học phổ thông cháu đã ước mơ được đi du học để mở mang đầu óc.
Bởi vậy sau khi tốt nghiệp phổ thông thì gia đình cháu đã vay nợ lãi cao tầm 300 triệu để cháu đi du học ở Nhật Bản. Khi đi du học ở Nhật Bản thì do gia đình khó khăn lại gặp đúng dịp dịch Covid-19 nên khó khăn lại càng khó khăn. Khó khăn như vậy nhưng lại "thân gái dặm trường", một mình phải xoay sở nơi xứ người.
May mắn là cháu đã vượt qua, cháu đang tiếp tục quá trình học tập ở Nhật Bản, vài năm nữa sẽ có thể tốt nghiệp. Với những suy nghĩ vượt nên hoàn cảnh, và thực tế cũng vượt qua hoàn cảnh thì cũng đủ thấy cháu trưởng thành như thế nào rồi dù tương lai có ra sao.
Cách đây mấy hôm đứa cháu (con ông anh nhà bác ruột của tôi) lên đường đi du học ở Đức. Cháu tốt nghiệp phổ thông trung học đã hai năm rồi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cháu có thể đăng ký học ở một trường trong nước tuy nhiên cháu đã xác định ngay từ đầu là chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp trung học sau đó đi du học.
Cháu chọn học tiếng Đức. Sau gần hai năm vừa học vừa làm, cháu đã có chứng chỉ và được cấp visa để đi du học ở Đức. Ở Đức cháu học dự bị tầm một năm sau đó sẽ chọn ngành phù hợp với khả năng của mình.
Để có được những suy nghĩ, định hướng khôn ngoan như vậy thì cơ bản là bản thân cháu, bên cạnh đó bố mẹ và gia đình cháu đều là những người nhanh nhẹn, hoạt bát. Sống bên cạnh những người tích cực nên cháu đã có những suy nghĩ và định hướng tích cực như vậy.
Chưa biết rồi sau này cháu sẽ thành công hay thất bại như thế nào nhưng chỉ với suy nghĩ đi du học để hấp thụ tinh hoa của thế giới là cháu đã thành công một bước rồi.
Những suy nghĩ và những hành động thiết thực của những người trẻ này là suy nghĩ và hành động của rất nhiều người trẻ hiện nay. Khi nói chuyện biết tôi thỉnh thoảng có đọc sách nên nhiều người đôi khi phàn nàn kiểu: Thế trẻ ngày nay thế này thế nọ, không tin tưởng vào những người trẻ...
Bản thân tôi thì không hề bi quan như vậy. Với tôi người trẻ bây giờ được học hành nhiều hơn, tiếp cận nhiều thông tin hơn, họ trưởng thành nhiều hơn thế hệ trước nhiều. Họ nhanh nhẹn, thông minh, trưởng thành hơn nhiều. Đó là điều tất yếu.
Không nên ích kỷ, hẹp hòi, bảo thủ, cứng nhắc khi nghĩ về người trẻ. Cần cởi bỏ cả những suy nghĩ, hành động tiêu cực về người trẻ, hãy tôn trọng và tin tưởng họ.
Mấy năm trước tôi có hỗ trợ một thời gian ngắn kiến thức môn Toán trước khi thi tốt nghiệp phổ thông cho một em học sinh nữ (nhưng giờ bạn này vẫn gọi tôi bằng thầy). Bạn này sau khi tốt nghiệp phổ thông thì thi vào một trường cao đẳng y tế ở Hà Nội. Tốt nghiệp cao đẳng xong em học thêm chứng chỉ tiếng Đức. Sau khi đạt được chứng chỉ, cộng với bằng cao đẳng điều dưỡng nên em đã đi làm việc được ở bên Đức, đến nay đã được hai năm.
Gia đình em có bố mẹ làm thợ xây. Suy nghĩ, định hướng cho con cái đều không được như nhiều gia đình có bố mẹ hiểu biết hơn. Em đến Đức làm việc cũng là do suy nghĩ, định hướng tự thân.
Bố em là thợ xây lành nghề lương cao so so với nhiều người khác, khoảng 400.000 đồng một ngày nhưng để ra một món tiền lớn thì khó khăn lắm. Em đi Đức để mở mang đầu óc hơn nữa dù bố mẹ không mong con mang tiền về, chỉ mong con vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng em muốn kiếm tiền, mang tiền về hỗ trợ bố mẹ. Em đã và đang làm được những điều đó.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.