Tôi thấy có rất nhiều bài viết phê bình, phê phán thế hệ trẻ (tạm gọi chung là Gen Z) ngày nay. Bao giờ cũng bắt đầu bằng câu "thế hệ trẻ bây giờ..." rồi đi kèm một mệnh đề như "lười biếng", "lãng phí", "không tiết kiệm".
Là một người không thuộc nhưng tuổi khá gần với Gen Z, tôi viết bài này không nhằm để biện minh là chỉ cung cấp một số góc nhìn để các bạn hiểu rõ hơn.
Đầu tiên là những lời chê trách "lười biếng", "hay nhảy việc", "cãi sếp"... Ở công ty của tôi, các bạn Gen Z ứng tuyển, thử việc rồi nhảy việc liên tục. Tôi chỉ ước rằng nếu mình không đang nợ, cần nguồn tiền ổn định hàng tháng thì cũng xin nghỉ việc ngay lập tức.
Sếp tổng công ty quản lý theo kiểu cách lạc hậu, cũ kỹ của những năm 1900-2000, trong khi bây giờ đã là 2023. Lấy đơn giản như chuyện check-in mỗi ngày, ai đi trễ, dù chỉ là một giây thì tính là vắng nửa buổi và không có tiền lương, phụ cấp.
Thế nhưng khi nhân viên ra về đúng giờ thì mặt nhăn mày nhó, với sếp thì việc nhân viên về đúng giờ là một chuyện động trời: "Đi làm chỉ canh đồng hồ đúng giờ là về".
Làm ngoài giờ, làm thêm ngày lễ, Tết thì đó là chuyện mặc nhiên, khi nào nhân viên xem bảng lương và phản ứng thì mới có tiền phụ cấp, không thì thôi. Trách nhiệm đi đôi với quyền lợi, nếu lệch pha thì đừng mong chúng cân bằng.
Chưa kể, nhiều công ty bây giờ tuyển nhân viên trẻ tuổi với mức lương thấp, không đủ gánh chi phí sinh hoạt. Làm sao một người dù mới ra trường có thể an tâm làm việc khi lương dưới 10 triệu đồng một tháng ở Sài Gòn, Hà Nội?
Thế nên nhảy việc để tìm cơ hội mới là chính đáng. Tôi chưa thấy công ty nào cách làm việc khoa học, phúc lợi tốt, môi trường văn minh mà nhân viên nhảy việc nhiều cả. Còn như đã kể, trong công ty tôi, số nhân viên gọi là trung thành, gắn bó lâu năm đều là người đã có tuổi, khó tìm việc mới, ngại thay đổi môi trường và đang nợ mua nhà, mua xe, cần dòng tiền ổn định cho gia đình. Đó gọi là cam chịu.
Việc nói giới trẻ "lãng phí", "không tiết kiệm"... có thể phản ánh thực tế, nhưng theo tôi điều này không có gì sai. Các em Gen Z này đa phần thuộc dạng "nhà có điều kiện", bố mẹ khá giả, thậm chí được bố mẹ mua nhà, mua xe cho thì tại sao phải làm khổ bản thân, không dám tiêu tiền?
Nó quay lại vấn đề mà tôi đã nói ra, đó là Gen Z không cam chịu như thế hệ trước, trong công việc lẫn cuộc sống. Thế hệ trước (phần đông là cha mẹ của Gen Z) cam chịu với khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, tạo dựng nhà cửa, tài sản với hy vọng cuộc sống con cái khá hơn, không phải vất vả hơn. Vậy việc Gen Z "nổi loạn", sống cá tính và tự tin hơn cũng không có gì phải đáng chê trách.
Minh Tuấn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.