Thế hệ 8X chúng tôi ngày xưa khi học lớp 1 đã phải nấu cơm, trông em, làm việc nhà giúp bố mẹ. Còn thế hệ thanh niên bây giờ, nhiều em học cấp 3 vẫn không phải làm việc nhà, bố mẹ đi làm cả ngày vất vả về đến nhà vẫn phải phục vụ từ đưa đón đi học, nấu cơm, giặt giũ, dọn nhà cho các em.
Có lẽ, nguyên nhân là do điều kiện kinh tế tốt hơn, hoàn cảnh sống của thanh niên ngày nay sung sướng hơn, không thiếu thốn thứ gì, muốn gì là bố mẹ cũng đáp ứng đầy đủ.
Cộng thêm, mỗi gia đình chỉ có một đến hai con nên bố mẹ luôn cố gắng chăm sóc, nuông chiều con hết mức, sẵn sàng bao bọc, làm hết mọi việc cho con để con chỉ tập trung vào việc học tập. Chính sự nuông chiều con ấy đã làm mất đi tính tự lập của trẻ, làm cho trẻ trở nên lười biếng, ỷ lại cho người khác những việc mà chúng có thể làm một cách dễ dàng. Không chỉ có các em ở độ tuổi học sinh phổ thông, nhiều em sinh viên đại học thời nay cũng rất lười.
Ở thời chúng tôi đi học, thầy cô giáo mắng học trò thì học trò có khi buồn cả tuần, học trò luôn ngoan ngoãn, biết kính sợ thầy cô. Còn hiện nay, nếu giáo viên có mắng học trò thì lại mang tiếng xúc phạm nhân phẩm các em, các em nghe giáo viên mắng xong vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, chỉ giữ im lặng được lúc giáo viên mắng, sau đó lại tiếp tục nói chuyện không quan tâm giáo viên nói gì.
Sinh viên đại học 19-20 tuổi nhưng một số em sáng vẫn ngủ dậy muộn, đi học muộn không kịp ăn sáng, em thì mua đồ ăn sáng vào lớp vừa học vừa ăn, em thì chờ học hết tiết 1 nghỉ giải lao mới ra căn-tin ăn sáng.
Trong giờ học, nhiều em không chăm chú nghe giảng, không chép bài, em tranh thủ tô son, em chải tóc, em uống trà sữa, em chơi game, em nhắn tin điện thoại, có những em không mang sách vở, chỉ đến điểm danh cho đủ.
Giáo viên cảm thấy bất lực, chán nản trước thái độ của học trò, mất hết tâm huyết giảng dạy và chỉ muốn bỏ nghề. Nếu dùng đến các hình phạt hà khắc thì không có tác dụng với học trò rồi còn vi phạm quy định của ngành. Nếu thờ ơ mặc kệ thì lớp học không ra lớp học, thầy không ra thầy, trò không ra trò.
Nhiều em đã tốt nghiệp đại học, đi làm vài năm cũng không khá hơn là mấy. Thời của tôi khi mới đi làm, sáng nào cũng tự giác đến cơ quan sớm ít nhất 30 phút để quét dọn, lau phòng làm việc, rửa ấm chén sạch sẽ để đến đúng giờ làm việc mọi người đến làm là phòng đã sạch sẽ. Trong phòng có công việc gì khó khăn cần đi sớm về muộn là phải xung phong làm đỡ các anh chị đã có gia đình và con nhỏ.
Còn bây giờ, có những em ở độ tuổi 27-28 tuổi đã đi làm vài năm, chưa lập gia đình, không vướng bận chồng con, không phải chăm sóc bố mẹ già, ở một mình nhưng sáng nào cũng đi làm muộn hơn hẳn so với các cô chú anh chị trong phòng.
Đến cơ quan muộn mới bắt đầu ngồi đặt đồ ăn sáng trên mạng, 9-10h mới ăn sáng. Không bao giờ tự giác đến sớm quét dọn, lau phòng hay làm việc khác đỡ các anh chị lớn tuổi đã có gia đình và con nhỏ. Không quan tâm đến những người xung quanh, gặp không chào, có lỗi không biết nhận lỗi, người khác giúp đỡ thì không biết cảm ơn. Các em chỉ đeo tai nghe nghe nhạc, xem mạng xã hội, hóng drama, xem phim và không giao tiếp với thế giới thực bên ngoài.
Ở cái tuổi lẽ ra đã có thể lập gia đình, sống tự lập và nuôi con nhưng các em vẫn còn sống dựa vào sự chu cấp thêm của bố mẹ vì đi làm không đủ sống. Nhưng dường như những điều ấy không khiến các em cảm thấy day dứt, khổ tâm mà vẫn thản nhiên sống, không cần nỗ lực học tập, làm việc chăm chỉ hơn để có thêm thu nhập tự lo cho bản thân, giúp đỡ bố mẹ, thậm chí mức sinh hoạt còn sang chảnh hơn cả những người có điều kiện kinh tế tốt hơn.
Có thể nói là một bộ phận thanh niên hiện nay rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng, lối sống của bạn bè và mọi người xung quanh, khiến cho họ dần đánh mất đi giá trị bản thân của mình. Và đáng buồn là điều này chính là nguyên nhân khiến cho nhiều bạn trẻ ngày nay rơi vào lối sống không có định hướng, mất đi mục tiêu trong cuộc sống.
Các em lười đọc sách, lười suy nghĩ, lười hành động, lười tìm kiếm, lười học hỏi...Các em chưa kiếm ra tiền hoặc thu nhập không đủ sống nhưng sẵn sàng mua trà sữa giá 40.000-50.000 đồng một cốc. Trong khi giáo viên nhắc mua sách giáo trình để học thì lại nói em không có tiền.
Ra đường nhìn lướt qua đa phần bắt gặp hình ảnh nhiều em mải mê nhìn điện thoại, hiếm khi nhìn thấy em nào đang chăm chú đọc sách. Mỗi khi có vấn đề gì khó khăn trong cuộc sống, các em cũng không chịu nghĩ xem mình cần phải làm gì để vượt qua, chỉ chờ bố mẹ giải quyết giúp một cách thụ động. Ngay cả khi trưởng thành, đi làm, các em cũng không nhiệt tình tham gia vào các hoạt động đoàn thể của cơ quan, lúc nào cũng lấy lý do: "Em bận quá, em không có thời gian" để trốn hoạt động.
Cơ quan tổ chức cho đi tham quan, nghỉ mát, học tập trao đổi kinh nghiệm cũng không chịu tham gia. Tìm hiểu kỹ ra thì các em chả bận việc gì quan trọng, chỉ đơn giản là các em không thích hòa vào tập thể, ngại giao lưu với mọi người, chỉ thích sống khép kín vào trong thế giới riêng của mình. Dù còn trẻ chưa vướng bận gia đình nhưng nhiều em lười học tập nâng cao trình độ, dù có đăng ký đi học cũng chỉ mải mê buôn chuyện, chụp ảnh check in, thành tích học tập còn kém hơn cả những người lớn tuổi đã có gia đình, thi trượt, học lại là bình thường.
Trong bài viết này tôi không nói tất cả các bạn trẻ Việt hiện nay đều lười biếng như vậy nhưng chắc chắn có một bộ phận không nhỏ những thanh niên vẫn sống lười biếng và không có mục đích sống rõ ràng như vậy.
Tôi nghĩ, các bạn trẻ cần thay đổi cách suy nghĩ, cách sống, nâng cao giá trị bản thân, xây dựng những thói quen tốt, học cách suy nghĩ tích cực, không ngừng cố gắng học tập và làm việc chăm chỉ thì mới có thể sống hạnh phúc hơn, có định hướng rõ ràng để theo đuổi đam mê và phát triển con đường sự nghiệp. Tôi tin rằng, với một tinh thần quyết tâm, một ý thức không ngừng học hỏi để nâng cao giá trị bản thân mình, các bạn trẻ sẽ có một cuộc sống rực rỡ đầy ý nghĩa, vẽ nên những nét vẽ đầy màu sắc trên con đường phát triển sự nghiệp của mình.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.