Khẩu trang gần như chưa từng xuất hiện trên đường phố và rất nhiều ngày trôi qua Niger chưa ghi nhận ca dương tính Covid-19. Nhu cầu về vaccine ít đến mức chính phủ Niger quyết định gửi hàng triệu liều ra nước ngoài.
Quốc gia Tây Phi rộng lớn, một trong những nơi có tỷ lệ sinh và nghèo đói cao nhất thế giới, từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách dễ bị tổn thương nhất vì Covid-19. Liên Hợp Quốc từng ước tính Covid-19 sẽ khiến hàng triệu người ở lục địa này tử vong. Hơn một năm sau, nhiều quốc gia khác ở châu Phi đang vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ ba, khi biến chủng mới khiến ca nhiễm tăng kỷ lục.
Trong khi đó, dù phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh và kinh tế, Niger lại là một trong số ít quốc gia ở rìa phía nam của sa mạc Sahara đến nay gần như được Covid-19 "bỏ quên". Các chuyên gia cho rằng khí hậu khô nóng, dân cư thưa thớt và dân số trẻ là những lý do khiến quốc gia này không bị đại dịch tàn phá.
Nhiều bác sĩ lo ngại biến chủng Delta dễ lây lan và quyết định mở cửa biên giới đất liền trong những tuần gần đây có thể đẩy Niger vào thảm cảnh, khi phần lớn dân số quốc gia này chưa tiêm chủng. Nhưng tại Niamey, thủ đô yên tĩnh nằm bên dòng sông Niger, có rất ít dấu hiệu về đại dịch.
Tại Le Pilier, nhà hàng nổi tiếng với những người dân Niger giàu có và du khách quốc tế, ông chủ người Italy Vittorio Gioni cho biết họ thường kín chỗ vào cuối tuần và doanh thu mỗi ngày vẫn giống như hai năm trước. Công việc kinh doanh đã lao dốc vào mùa xuân năm 2020 khi Niger đóng cửa không phận, nhưng nhanh chóng phục hồi sau đó.
"Ở đây, chúng tôi vẫn sống như năm 2019", Bộ trưởng Dầu mỏ Sani Issoufou cho hay.
Đến giữa tháng 6, Niger, quốc gia có diện tích gấp đôi bang Texas và có hơn 25 triệu dân, ghi nhận 194 ca tử vong và khoảng 5.500 ca Covid-19 kể từ khi bùng phát dịch vào tháng 3/2020.
"Chúng tôi từng nghĩ sẽ bị quá tải vì ca Covid-19 nhưng điều đó chưa từng xảy ra", Adamou Foumakoye Gado, bác sĩ gây mê và là người đứng đầu đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện General Reference, nói. "Virus đã tồn tại ở đây trong khoảng thời gian ngắn ngủi".
Kể từ tháng 4, cơ sở điều trị của Gado không ghi nhận bệnh nhân chăm sóc đặc biệt. Ông dự định chuyển cơ sở này thành nơi điều trị bệnh sốt rét.
Cuối tháng 5, Niger đã có quyết định đầy bất ngờ khi cho Bờ Biển Ngà vay 100.000 liều vaccine AstraZeneca. Quốc gia Tây Phi có quy mô dân số tương đồng và diện tích nhỏ hơn bốn lần này đã ghi nhận ca nhiễm cao gấp 10 lần Niger. Vaccine ở Niger chủ yếu tiêm cho nhân viên tuyến đầu và rất ít dân thường tiêm chủng.
Trung tâm xét nghiệm chính của thủ đô Niamey thường qua vài ngày không ghi nhận ca dương tính. Bốn lều lớn dùng để cách ly bệnh nhân hầu như không sử dụng. Điều này trái ngược hoàn toàn đối với nhiều nước khác cùng lục địa. Tại Uganda vài tuần gần đây, bệnh viện quá tải ca Covid-19 mới đến mức nhiều người bệnh chết khi chờ giường trống.
Kể từ khi Covid-19 lần đầu xuất hiện ở châu Phi đầu năm 2020, tỷ lệ nhiễm thấp nhất được ghi nhận ở khu vực vành đai Sahel, khu vực nằm giữa sa mạc Sahara và vùng đồng cỏ ở Sudan, trong đó có Niger. Suốt thời gian đại dịch, tỷ lệ nhiễm trung bình ở Niger là 4,5% trong khoảng 125.000 mẫu xét nghiệm, trong khi tỷ lệ này ở Afghanistan và Madagascar là 16% và 30%.
"Khí hậu ở đây khiến virus gặp khó khăn để tồn tại trong cơ thể người. Chúng ta gặp may nhờ chính điều kiện bất lợi của mình", Gado nói về khí hậu khô nóng ở Sahel.
Nghiên cứu của Bộ Y tế Mỹ cho thấy nhiệt độ và độ ẩm ở Niamey làm giảm hai lần tốc độ lây nhiễm của nCoV.
Ngoài thời tiết, Niger có dân số trẻ nhất thế giới khi một nửa trong số 25 triệu dân dưới 15 tuổi. Hầu hết cư dân đều sống khá tách biệt nên dịch khó có nguy cơ bùng phát rộng.
Chuyên gia thêm rằng chính sách của Niger cũng đóng góp một phần. Giới chức đã phong tỏa, cấm tụ tập cầu nguyện ở nhà thờ, đóng biên từ tháng 3/2020, 5 tháng trước khi Anh bắt đầu hạn chế đi lại quốc tế.
"Covid-19 đã đến nhưng không bao giờ bùng phát mạnh", Tổng thống Mohamed Bazoum nói khi còn là bộ trưởng nội vụ.
Niger phần lớn thoát bóng Covid-19, nhưng nền kinh tế đã bị tàn phá vì đại dịch. Số người nghèo cùng cực, vốn chiếm gần nửa dân số, đã tăng 400.000 do các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 năm 2020, theo Ngân hàng Thế giới. Trên đường phố, những người xin tiền và đồ ăn tăng mạnh từ năm ngoái.
Tài xế taxi Moussa Soumoula không mấy lo lắng về tiêm vaccine, thay vào đó chỉ quan tâm đến thu nhập mỗi ngày.
"Trong số 300 người ở khu phố tôi sống, chỉ có một người dương tính", anh nói, thêm rằng điều khiến anh đau đầu nhất là khoản nợ học phí 200 USD của con, khi chính phủ áp các hạn chế về số hành khách mỗi chuyến.
Lệnh phong tỏa cũng ảnh hưởng lớn tới những người nổi tiếng. Ngôi sao nhạc rock Omara "Bombino" Moctar, người năm 2019 có 9 tháng lưu diễn từ London tới New York, giờ cũng phải xoay xở kiếm sống với vài chục khách trong một khu vườn riêng.
"Covid-19 chưa từng thực sự đến Niger, nhưng chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh khốn khó", anh nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)