Loạt ca nhiễm đang tăng nhanh chóng chứng minh việc tổ chức một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới khó khăn như thế nào vào thời kỳ đại dịch toàn cầu. Hàng chục nghìn người từ hơn 200 quốc gia đang nhập cảnh vào một nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp và biến chủng Delta đang hoành hành để tham dự Olympic Tokyo.
Các quan chức sẽ lâm vào thế khó xử trong suốt Olympic. Công chúng Nhật Bản hết sức cảnh giác với sự kiện, lo ngại về một đợt bùng phát sẽ lây lan sang dân bản địa. Vì vậy, Nhật Bản đang triển khai các quy tắc nghiêm ngặt để hạn chế rủi ro.
Olympic năm nay vắng đi một số tên tuổi. Ngôi sao quần vợt 17 tuổi người Mỹ Coco Gauff thông báo trên mạng xã hội rằng cô dương tính với nCoV và không thể tham gia. "Tôi luôn mơ ước được đại diện cho Mỹ tại Olympic, tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tương lai", cô viết. Hiện không rõ liệu Gauff đã đến Nhật Bản chưa.
Vấn đề gây đau đầu nhất là các vận động viên dương tính với nCoV sau khi họ đến Nhật Bản. Cơ quan quản lý bóng đá Nam Phi cho biết hôm 18/7 rằng hai thành viên đội tuyển nam của họ tại Làng Olympic và một nhân viên kỹ thuật dương tính với nCoV, tất cả đã bị cách ly. Thành viên Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Ryu Seung-min, từ Hàn Quốc, cũng dương tính với nCoV sau khi đến Nhật.
Ngày 18/7, Hiệp hội Olympic Anh xác nhận 6 vận động viên và hai nhân viên từ đội điền kinh của nước này đã trở thành F1 của một ca dương tính với nCoV sau khi đến Tokyo hôm 16/7. 8 người Anh nói trên hiện vẫn âm tính và đang tự cách ly.
Theo dữ liệu từ ban tổ chức, tổng cộng 55 người liên quan đến Olympic, bao gồm các quan chức và nhà thầu, dương tính với nCoV kể từ ngày 1/7.
Bradley Beal, thành viên đội bóng rổ Mỹ, bất ngờ thông báo không thể thi đấu vì dương tính với nCoV trong trại huấn luyện. Đội tuyển Mỹ đã đến Tokyo với đội hình thiếu ba cầu thủ, những người dự kiến lên máy bay sau trận chung kết NBA.
Ban tổ chức Olympic Tokyo đã điều chỉnh quy tắc gần như hàng ngày để cố gắng giải quyết các vấn đề. Nhưng khi một số môn thi sẽ bắt đầu vào 21/7, trước lễ khai mạc ngày 23/7, có khả năng một số vận động viên sẽ bỏ lỡ sự kiện vì các vấn đề liên quan đến Covid-19.
Đội thể dục dụng cụ nữ Mỹ có một thành viên ban đầu dương tính nhưng sau đó âm tính, dẫn đến kết luận rằng kết quả đầu tiên là dương tính giả. Ban tổ chức cho biết việc xét nghiệm nhiều lần đối với những người tham gia Olympic, bao gồm trước khi đến Nhật Bản, khi đến nơi và trong suốt sự kiện, cũng như các quy định về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và cách ly, sẽ ngăn chặn virus bùng phát. Họ liên tục điều chỉnh quy định để cố gắng giúp vận động viên không bị loại khỏi các sự kiện một cách không cần thiết.
Khán giả bị cấm tham gia hầu hết các trận đấu, trong khi vận động viên được xét nghiệm mỗi ngày. Thay vì tham quan hoặc giao lưu sau sự kiện, họ được yêu cầu rời khỏi Làng Olympic 48 giờ sau khi môn thi của họ kết thúc hoặc bị loại. Ban tổ chức cho biết trên 80% vận động viên đã được tiêm phòng đầy đủ.
"Những người tham gia Olympic là những người bị kiểm soát chặt nhất thế giới", Giám đốc Điều hành Olympic của IOC Pierre Ducrey cho biết.
Tuy nhiên, Olympic tại Tokyo không phải là "bong bóng" cô lập như "bong bóng" mà NBA đã xây dựng vào năm ngoái. Các cầu thủ NBA đến Walt Disney World bằng máy bay riêng, không giống như phần lớn vận động viên Olympic đến bằng chuyến bay thương mại. Vấn đề này đã khiến đội bóng bầu dục 7 người của Kenya và Nam Phi vướng rắc rối, sau khi ít nhất một hành khách trên các chuyến bay của họ nhiễm nCoV.
"Bong bóng" của NBA cũng phụ thuộc vào việc xét nghiệm rộng rãi trước khi đến và cách ly thành viên các đội tại phòng riêng trong hai ngày cho đến khi có kết quả xét nghiệm. Cách làm này đã hiệu quả: giải đấu không ghi nhận ca nhiễm nào trong số các cầu thủ.
Những biện pháp phòng ngừa đó là cần thiết trước khi phát triển các loại vaccine hiệu quả cao, nhưng ban tổ chức Olympic không yêu cầu các vận động viên phải tiêm vaccine. Họ không muốn bị coi là ưu tiên những người trẻ, khỏe mạnh hơn hàng triệu người lớn tuổi dễ bị tổn thương về mặt y tế trên khắp thế giới chưa được tiếp cận với vaccine.
Thời gian ủ bệnh của nCoV lên đến 14 ngày, có nghĩa là các vận động viên có thể có kết quả âm tính nhiều lần trước khi đột ngột dương tính ngay trước hoặc trong khi thi đấu. Giám đốc y tế của đội Nam Phi cho biết thời gian ủ bệnh nhiều khả năng là nguyên nhân khiến hai vận động viên trong làng Olympic có kết quả dương tính. Đội tuyển bóng đá nam của Nam Phi sẽ chơi trận đầu tiên vào 22/7.
"Các thành viên đội Nam Phi được khuyến khích cách ly trong hai tuần trước khi khởi hành, theo dõi sức khỏe hàng ngày, báo cáo bất kỳ triệu chứng nào và có hai lần xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 96 giờ trước khi khởi hành, theo yêu cầu của Tokyo 2020", Phatho Zondi cho biết.
Vấn đề quan trọng đối với ban tổ chức ở Tokyo là họ bắt buộc phải tổ chức một số phần thi trong nhà. Ngoài ra, nhiều môn thể thao đòi hỏi tương tác giữa các vận động viên, những người gần như luôn không đeo khẩu trang khi thực hiện các hoạt động cường độ cao.
Ban tổ chức ở Tokyo quyết định rằng các vận động viên được xác định là F1 sẽ phải xét nghiệm PCR hàng ngày và phải được cách ly trong phòng riêng mọi lúc, kể cả khi dùng bữa. Theo ban tổ chức Tokyo, các vận động viên sẽ được phép tham gia các buổi tập và thi đấu với điều kiện họ có kết quả âm tính trong vòng 6 giờ trước khi bắt đầu mỗi buổi tập hoặc phần thi.
Vaccine đã được chứng minh là ngăn ngừa ca tử vong và bệnh nghiêm trọng rất hiệu quả, nhưng chúng không ngăn ngừa hoàn toàn lây nhiễm. Một số vận động viên đã tiêm phòng vẫn nhiễm nCoV. Các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc liệu những người nhiễm nCoV sau khi đã tiêm phòng có khả năng lây cho người khác hay không.
Jonathan Finnoff, giám đốc y tế của Ủy ban Olympic & Paralympic Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng ban tổ chức có thể sẽ xem xét nhiều yếu tố khi truy vết tiếp xúc và quyết định xem ai sẽ bị loại khỏi cuộc thi, gồm việc F1 tiếp xúc với F0 bao lâu, như thế nào và thậm chí cả tải lượng virus của người đó.
Phương Vũ (Theo WSJ)