Tết là những ngày vui vẻ, được mong đợi nhất trong năm, nhưng cũng có thể là nỗi lo sợ đối với nhiều người. Quan trọng, bạn làm chủ Tết hay Tết sẽ làm chủ bạn? Vậy nên, để đón một cái Tết theo đúng nghĩa vui - trẻ - khỏe, cần tránh xa những điều sau:
Thứ nhất, có nhiều gia đình cả năm ít dành thời gian dọn dẹp hay phó thác cho người giúp việc làm vệ sinh nên tất cả công việc sẽ bị dồn hết vào những ngày cận Tết mà không biết phải bắt đầu từ đâu như giặt màn, thảm, chăn ga gối nệm, rửa nhà, sơn tường, sơn cửa... Làm đến lúc tay mỏi chân tê, đầu bù tóc rối, vợ chồng cáu giận, con cái bừa bộn đến trước giao thừa mà chưa chắc đã xong công việc, phải tranh thủ làm cho xong trong các mùng. Đó là chưa kể đến việc trang hoàng nhà cửa đón Tết. Vậy nên, hãy lên kế hoạch vệ sinh, lau chùi theo từng tháng sẽ bớt mệt hơn.
Thứ hai, có những gia đình khá giả nhưng cứ luôn muốn có không khí Tết, cả nhà quây quần sum vậy bên nhau để làm mứt, nấu bánh chưng, bánh tét thâu đêm vừa ảnh hưởng hàng xóm vì lửa khói tro bụi, vừa lo sợ bà "hỏa" viếng thăm bất cứ khi nào. Đến phút cuối nấu xong lại vội vội vàng vàng đi tặng bánh tét, bánh chưng để khoe thành quả mà người nhận chưa chắc vui vẻ trong lòng. Muốn sum họp quây quần còn có nhiều cách khác thú vị hơn. Bánh chưng cúng ông bà có thể mua trong siêu thị và chỉ cần một cặp là đủ.
Thứ ba, nhiều gia đình kiên quyết giữ truyền thống cúng kiếng đúng theo nghi lễ tổ tiên như mỗi ngày ba bữa sáng, trưa, chiều. Mỗi lần cúng là phải đủ món, đủ mặt con cháu. Kết quả là nguyên ba ngày Tết cúng ông bà chỉ quanh quẩn trong nhà bếp, tất bật rót nước, thắp nhang, nấu ăn, bày biện, rửa chén, ăn thì nuốt không trôi vì ngán và mệt. Cho nên, chỉ nên giữ một mâm cúng Tất niên buổi trưa, hai mâm cúng Giao thừa trong nhà cho ông bà, cha mẹ và cúng đất đai, Thành hoàng, Thổ địa ngoài sân. Mùng 1, 2 và 3 chỉ cần cúng cơm ông bà buổi trưa. Các món ăn không cần quá cầu kỳ đúng món, đúng lễ, đúng mâm. Trong nhà có gì thì nấu và cúng nấy.
Thứ tư, có nhiều người thích sĩ diện, luôn sợ bà con, hàng xóm, bạn bè sẽ bình luận về mình hay hỏi kém duyên: "Ăn Tết có lớn không? Tiền thưởng năm nay bao nhiêu? Lì xì có nhiều không? Khi nào cưới vợ lấy chồng sanh con?". Căng thẳng, nhức đầu, mệt mỏi, đóng cửa đi du lịch trốn Tết luôn. Thật ra, chúng ta không cần phải quan tâm đến dư luận làm gì. Ai cũng có chuyện để lo, cứ lơ và bơ đi mà sống. Nếu cứ phải lo lắng hay sĩ diện thì tốt nhất đừng về quê ăn Tết, ở lại thành phố ăn Tết hay làm thêm, kiếm thêm thu nhập.
>> 'Vui như Tết khi không vùi đầu vào bếp núc'
Thứ năm, nhiều gia đình suốt ngày bày biện nấu ăn, pha chế thức uống, tiệc tùng cả ngày, hát hò làm phiền hàng xóm. Mỗi khi có khách đến chơi thì rót nước, pha trà, mời thuốc, bày mứt, ép rượu, cắt bánh tét, bánh chưng mà khách chưa chắc đã muốn ăn vì ngán cái "mùi" Tết. Sau đó gia chủ lại bận rộn dọn dẹp, lau bàn, rửa ly để đón tiếp khách mới sẽ tới. Nếu vậy thì suốt ngày cứ lo mang ra dọn vào là hết cái Tết.
Theo tôi, bánh mứt kẹo nên mua vừa đủ để không phải "ép" khách hay cả nhà ăn cho đến rằm tháng Giêng hay sau đó phải đổ bỏ. Khách đến chúc Tết là tự nguyện, thành tâm, tình cảm và lưu lại không quá lâu nên không cần bày vẽ trà nước quá nhiều. Hạn chế hay bỏ luôn cái khoản mời bia rượu để khách không bị phạt khi tham gia giao thông.
Cuối cùng là "chạy show" chúc Tết: chúc họ hàng nội ngoại bà con gần xa, chúc thầy chúc cô, chúc hàng xóm khu phố quê nhà, chúc đồng nghiệp, chúc cấp trên- cấp dưới. Vừa chạy vừa chúc vừa lì xì hết sếp nhỏ đến sếp lớn, đối tác, khách hàng, nhân viên xong cũng vừa... hết Tết. Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu đã biếu quà trước Tết thì có thể không cần phải đi chúc Tết và lì xì mà chỉ cần nhắn tin, điện thoại. Đối với những người thầy cô có thể chuyển sang dịp 20/11. Lì xì chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc lấy hên nên tùy vào tài chánh, hoàn cảnh, công việc, vị trí của mỗi người.
Nói tóm lại, Tết là của mình, là do mình tạo ra: Tết vui vẻ, Tết nhẹ nhàng, Tết bình an. Ăn Tết cũng vừa phải, có chừng mực và biết tiết kiệm. Tết là để vui vẻ nghỉ ngơi, giảm bớt phong tục tập quán mà mình thấy không cần thiết. Một cái Tết thì cũng chỉ có ba ngày, đừng nặng nề chuyện bày vẽ đầy đủ để Tết không trở thành nỗi sợ và áp lực.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.