Trả lời:
Virus viêm gan B có trong máu và các dịch tiết của người bệnh như tinh trùng, dịch âm đạo. Virus viêm gan B lây truyền qua ba đường chính là máu, quan hệ tình dục và từ mẹ truyền sang con. Trong đó, quan hệ tình dục bằng miệng vẫn có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B dù thấp hơn so với kiểu quan hệ tình dục qua ngã âm đạo. Khả năng lây nhiễm qua quan hệ đường miệng ghi nhận ở cả nhóm quan hệ đồng giới lẫn khác giới.
Nguy cơ lây bệnh tăng cao khi người bệnh có tải lượng virus cao và bạn tình đang có vết trầy xước, vết thương hở hoặc lở miệng. Lúc này, vết thương tạo điều kiện cho virus trong nước bọt và dịch tiết của cơ quan sinh dục xâm nhập cơ thể.
Để ngừa viêm gan B, bạn nên tiêm đầy đủ vaccine viêm gan B. Đây là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó cần chú ý quan hệ tình dục an toàn, giữ vệ sinh cá nhân, không dùng chung các vật dụng có thể dính máu của người bệnh như dao cạo, đồ cắt móng tay.
Vaccine ngừa viêm gan B hiện phổ biến cho cả trẻ em và người lớn, có mặt trong: loại 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, 6 trong 1 Hexaxim (Pháp)/Infanrix Hexa (Bỉ) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, các bệnh do Hib và viêm gan B. Viêm gan B đơn giá gồm Heberbiovac HB (Cu Ba) và Gene Hbvax (Việt Nam). Viêm gan A, B phối hợp có Twinrix (Bỉ).
Lưu ý, vaccine không chỉ định cho người đã nhiễm virus viêm gan B. Người lớn trước khi tiêm phòng viêm gan B cần xét nghiệm máu để xác định đã có kháng thể hay chưa hoặc đang nhiễm virus hay không.
Viêm gan B không lây qua việc dùng chung chén đũa, nắm tay nên không cần cách ly người bệnh. Nếu gia đình có người nhiễm viêm gan B, cần tiêm ngừa đầy đủ để bảo vệ bản thân, thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát viêm gan B để phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tại đây để bác sĩ trả lời.