Phát biểu tại lễ kỷ niệm 23 năm ngày Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc hôm 1/7, giám đốc Văn phòng Liên lạc Chính quyền Trung ương tại Hong Kong Lạc Huệ Ninh cho biết Bắc Kinh đã ủng hộ sự phát triển kinh tế của đặc khu hơn rất nhiều so với chính quyền thực dân Anh từ năm 1997.
Ông Lạc khẳng định kể từ khi bàn giao, Hong Kong đã phát triển cùng Trung Quốc đại lục, trong khi trước đó, chính quyền Anh đã hưởng lợi rất nhiều từ đặc khu với vai trò thuộc địa.
"Dữ liệu công khai của Anh tiết lộ rằng nguồn thu kinh tế của họ từ Hong Kong là rất lớn, lên tới 22,1 tỷ đôla Hong Kong (khoảng 2,85 tỷ USD) chỉ riêng chi phí quân sự cho quân đội đồn trú Anh trong giai đoạn 1950-1997", ông Lạc nói.
"Sau khi trao trả, chính phủ trung ương không áp thuế phí với đặc khu hành chính cũng như không yêu cầu chính quyền đặc khu trả phí cho đơn vị đồn trú Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại Hong Kong", ông Lạc Huệ Ninh cho biết thêm.
Giám đốc Văn phòng Liên lạc Chính quyền Trung ương tại Hong Kong khẳng định để hỗ trợ đặc khu phát triển kinh tế, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt chính sách thuận lợi suốt hai thập kỷ.
"Chúng ta đã giúp Hong Kong chống đỡ thành công hai cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong các cuộc chiến chống SARS và đại dịch Covid-19, đại lục không tiếc công sức để đảm bảo nguồn cung y tế cho Hong Kong", ông Lạc nhấn mạnh.
Ông Lạc cho biết sau khi bàn giao, người Hong Kong đã trở thành chủ nhân của đặc khu hành chính và đang được hưởng các quyền và tự do dân chủ chưa từng có. Trong khi đó dưới thời là thuộc địa của Anh, dân Hong Kong chỉ là "công dân hạng hai" về quyền chính trị, ông Lạc nói thêm.
Tuyên bố của ông Lạc Huệ Ninh được đưa ra sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong hôm 30/6. Luật an ninh cho phép cơ quan mới của đại lục tiếp quản những vụ án "phức tạp" và không chịu sự kiểm soát của chính quyền Hong Kong.
Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư mô tả luật an ninh Hong Kong "phản ánh nguyện vọng của người dân trên toàn quốc, bao gồm cả Hong Kong", trong khi Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam khẳng định luật "chỉ nhắm đến nhóm đối tượng nhỏ" và tài sản, quyền tự do của người dân đặc khu vẫn được bảo vệ.
Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã bày tỏ lo ngại về luật an ninh mới. Nhật cho biết "lấy làm tiếc" về luật an ninh, trong khi Anh cảnh báo sẽ xác định luật có vi phạm tuyên bố chung hay không, từ đó đưa ra các bước phản ứng tiếp theo. Mỹ tuyên bố tước bỏ ưu đãi đặc biệt với Hong Kong, chấm dứt xuất khẩu sản phẩm quốc phòng cũng như những công nghệ có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)