Một nhà máy ở Kongsberg, phía tây thủ đô Oslo, Na Uy, chuyên sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa có thể bắn hạ máy bay không người lái (UAV), trực thăng và các mối đe dọa trên không khác từ khoảng cách hơn 40 km.
Với khả năng phóng 72 tên lửa cùng lúc, hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS đang bảo vệ không phận phía trên Nhà Trắng. Khi được triển khai tới Ukraine năm 2022, trong vài tháng đầu tiên, nó đã đạt tỷ lệ bắn hạ thành công 100% tên lửa hành trình và UAV.
Trong bối cảnh phương Tây phải đối mặt với ngày càng nhiều mối đe dọa tiềm tàng, các đơn đặt hàng NASAMS tới tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ Kongsberg đang chồng chất. "Tôi chưa bao giờ chứng kiến nhu cầu lớn đến vậy", Eirik Lie, chủ tịch phụ trách mảng quốc phòng của công ty, hồi tháng 11 cho biết.
Tuy nhiên, những khách hàng mới sẽ phải chờ bởi phải mất hai năm để tạo ra một tổ hợp NASAMS, trong khi đơn đặt hàng cũ vẫn chưa xử lý hết.
Xung đột Ukraine đã làm bật lên những thiếu sót của phương Tây trong khả năng sản xuất nhanh chóng vũ khí để bổ sung vào thời điểm cần thiết. Giờ đây, giao tranh ở Gaza có thể thắt chặt thêm nguồn cung một số loại vũ khí.
Kongsberg, công ty cũng sản xuất các sản phẩm như tên lửa phóng từ tàu chiến hay các bộ phận của chiến đấu cơ F-35, đang cố gắng tăng tốc. Họ chia ca để làm việc 24/7 và điều công nhân làm việc trong một số ngày mà nhà máy thường nghỉ để bảo trì. Nhưng nỗ lực này vẫn chưa đủ.
Vấn đề là những vũ khí hiện đại ngày nay rất phức tạp, thường đòi hỏi hàng nghìn bộ phận. Kongsberg, giống như hầu hết các công ty quốc phòng phương Tây, thiết kế và lắp ráp hệ thống vũ khí nhưng không tự sản xuất các bộ phận. Hơn 1.500 nhà cung cấp đóng góp sản phẩm cho nhà máy. Chỉ riêng chuỗi cung ứng của NASAMS đã gồm hơn 1.000 công ty.
Ngành công nghiệp quốc phòng cũng phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng lao động, khi việc tìm kiếm những lao động có kỹ năng thích hợp và sẵn sàng chịu đựng các đợt kiểm tra an ninh kéo dài trở nên khó khăn hơn.
Theo giới phân tích, phương Tây chưa từng đối mặt với những hạn chế về nguồn cung như vậy kể từ thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Riêng 10 công ty quốc phòng lớn nhất phương Tây đang nhận lượng đơn đặt hàng trị giá tới hơn 730 tỷ USD, tăng khoảng 57% so với cuối năm 2017.
"Tất cả chúng ta đều phải tăng sản lượng", giám đốc mua sắm quốc phòng của Lầu Năm Góc Bill LaPlante hồi tháng 11 cho hay.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ và NATO đang lo ngại tình trạng thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu khi họ không thể bổ sung kho tên lửa một cách nhanh chóng. NASAMS, mẫu tên lửa mất hai năm để hoàn thành, là một ví dụ. Các tên lửa khác cũng có chung vấn đề.
Tập đoàn quốc phòng RTX và Lockheed Martin năm ngoái cho biết phải mất 4 năm mới có thể tăng gấp đôi sản lượng tên lửa đất đối không Javelin và Stinger, lâu gấp đôi dự tính trước đó, khi những thách thức về chuỗi cung ứng liên tục phát sinh.
Các công ty đổ lỗi cho tình trạng thiếu hụt động cơ tên lửa rắn là nguyên nhân gây ra vấn đề này. Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng vấn đề còn sâu xa hơn khi mọi thứ, từ chip đến lò xo hay vòng bi, đều không đủ đáp ứng.
Tình trạng sản xuất đình trệ cũng xảy ra với các loại khí tài khác, trong đó có tiêm kích F-35, máy bay huấn luyện và tiếp nhiên liệu cũng như các tàu sân bay mới nhất của Mỹ.
Dù vậy, một phát ngôn Lầu Năm Góc nhấn mạnh năng lực công nghiệp quốc phòng của Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine và Israel cùng lúc và đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phần lớn khả năng sản xuất vũ khí của phương Tây, đặc biệt là ở châu Âu, đã bị xói mòn khi ngân sách quốc phòng giảm sau Chiến tranh Lạnh và quá trình phi công nghiệp hóa diễn ra từ từ.
Theo Nicholas Drummond, chuyên gia tư vấn quốc phòng, các công ty Đức có thể sản xuất tới 400 xe tăng mỗi năm vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, nhưng giờ đây chỉ có thể sản xuất tối đa 50 xe mỗi năm
Giám đốc điều hành nhà thầu quốc phòng châu Âu BAE Systems Charles Woodburn cuối năm ngoái mô tả tên lửa giống như chiến đấu cơ cỡ nhỏ, có hệ thống dẫn đường và điện tử rất phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian để chế tạo.
Nga và Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và châu Âu về một số hệ thống phòng thủ cũng như tên lửa. Theo quan chức Lầu Năm Góc, hai nước này đã sở hữu tên lửa siêu vượt âm, trong khi Mỹ vẫn gặp thất bại trong thử nghiệm. Các hệ thống chống tên lửa siêu vượt âm của Mỹ và châu Âu cũng sẽ không được đưa vào sử dụng sau ít nhất 10 năm nữa.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Nga và Trung Quốc sở hữu tổng cộng khoảng 5.020 hệ thống tên lửa phòng không trên đất liền, so với khoảng 3.200 hệ thống của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cộng lại.
Những công ty quốc phòng ở Trung Quốc và Nga chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước nên ít chịu áp lực thương mại như các công ty phương Tây. Năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc giúp họ có chuỗi cung ứng nội địa lớn và nhiều sinh viên tốt nghiệp được đào tạo cho ngành này.
Những dự đoán rằng Nga sẽ sớm hết tên lửa ở Ukraine đã được chứng minh là không chính xác. Hồi tháng 11, tình báo Ukraine ước tính Nga có thể sản xuất tổng cộng khoảng 100 tên lửa hành trình, 4 tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Kinzhal và 5 tên lửa đạn đạo mỗi tháng.
Kho dự trữ vũ khí của Trung Quốc đã tăng từ mức chỉ có một số ít tên lửa đạn đạo phi hạt nhân vào năm 1996 lên mức hơn 3.000 tên lửa đạn đạo và hành trình, theo ước tính từ Mỹ. Trong một báo cáo gửi quốc hội, Bộ Quốc phòng Mỹ kết luận hầu hết hệ thống tên lửa Trung Quốc đều có chất lượng tương đương với tên lửa của các nhà sản xuất hàng đầu khác trên toàn cầu.
Lie cho biết đơn đặt hàng NASAMS bắt đầu tăng sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Đơn đặt hàng tên lửa bắt đầu tăng vọt khi Nga phát động chiến dịch tại Ukraine hồi năm 2022. Những lo ngại về Trung Quốc cũng thúc đẩy hải quân Mỹ và các nước khác ráo riết mua tên lửa phóng từ tàu chiến.
Các đơn đặt hàng quốc phòng của Kongsberg có giá trị khoảng 5,5 tỷ USD, gấp 6 lần so với mức trước năm 2018.
Hungary đã đặt 6 tổ hợp NASAMS vào năm 2020. Hai hệ thống đầu tiên đến tay họ hồi tháng 10 năm ngoái. Sau đơn đặt hàng của Hungary, quân đội Mỹ đặt mua thêm 6 tổ hợp nữa cho Ukraine. 5 bên khác cũng bày tỏ quan tâm về hệ thống này.
Hầu hết công ty quốc phòng phương Tây cho hay họ đang liên tục gia tăng năng lực sản xuất, đặc biệt là về đạn pháo và tên lửa. Chính phủ Mỹ đang đầu tư vào các cơ sở sản xuất nội địa và đưa hoạt động sản xuất các thành phần dễ bị gián đoạn nguồn cung, như vi mạch, về nước.
Lầu Năm Góc dự kiến công bố một chiến lược công nghiệp quốc phòng mới trong vài tuần tới nhằm giúp giải quyết tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Vaccaro, chiến lược gia tại Lầu Năm Góc, cho biết họ sẽ hướng tới lập bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu cho 100 hệ thống vũ khí đang được sản xuất. Động thái này nhằm xác định sớm các điểm khó khăn và giảm thiểu chúng thông qua tìm kiếm nhà cung cấp thay thế.
Các công ty quốc phòng lớn của Mỹ cũng đang tăng cường hợp tác với những đối tác nước ngoài như một cách để mở rộng năng lực sản xuất.
Tại nhà máy Kongsberg một ngày gần đây, các công nhân chậm rãi hạ những bộ phận của NASAMS từ cần cẩu xuống sàn nhà. Những chiếc kệ xếp dọc bức tường chứa hàng nghìn bộ phận nhỏ.
Những năm 1980, Kongsberg sản xuất phần cứng máy tính cho vũ khí của mình; bây giờ, chúng đều được mua ngoài. Khoảng 15 năm trước, công ty 200 năm tuổi này tự hàn vũ khí. Hiện tại, họ cũng thuê công ty ngoài.
Khi tất cả nguồn cung cấp linh kiện sẵn sàng, Kongsberg có thể chế tạo trung tâm chỉ huy di động của NASAMS, "trái tim của hệ thống", trong vòng một tháng.
Để đối phó nguy cơ chuỗi cung ứng bị đứt gãy, họ đã xây dựng kho dự trữ các linh kiện thiết yếu. Công ty cũng cố gắng tìm kiếm các nguồn thay thế nhằm giúp họ xử lý linh hoạt hơn nếu một bộ phận nào đó không đến kịp.
Kongsberg cho biết họ sẽ mở một nhà máy mới vào tháng 6 tới và sẽ sử dụng dây chuyền lắp ráp hiệu quả hơn. Công ty hy vọng phương pháp này sẽ tăng sản lượng tên lửa lên tới 10 lần. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là kế hoạch.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)