Bong gân là một trong những chấn thương phổ biến nhất trong thể thao. Nhiều người bệnh chủ quan cho rằng bong gân chỉ là một chấn thương nhỏ và sẽ tự khỏi mà không ảnh hưởng gì, không nghỉ ngơi chăm sóc tốt khiến bong gân càng trở nên nghiêm trọng, biến chứng viêm sưng tác động không nhỏ đến khả năng vận động sau này.
Bong gân là gì?
Bong gân là tình trạng dây chằng (cấu trúc nối giữa 2 hoặc nhiều xương quanh một khớp) bị căng quá mức hoặc bị rách gây đau, giảm hoặc mất vận động khớp.
Một tình trạng rất giống với bong gân mà các bác sĩ cần phân biệt, đó là căng cơ. Căng cơ là tình trạng gân cơ bị rách hoặc căng quá mức. Gân cơ là những sợi mô dày đặc kết nối xương với cơ.
Hai thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho nhau, thường gây nhầm lẫn, tựu chung lại để mô tả tình trạng căng quá mức hoặc rách các mô mềm trong và xung quanh khớp của bạn.
Các triệu chứng của bong gân và căng cơ rất giống nhau. Đó là bởi vì bản chất hai tổn thương rất giống nhau. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hai tổn thương này thường bị nhầm lẫn.
Các triệu chứng chung của hai tổn thương là đều gây đau, có thể sưng tại vùng cơ, khớp bị tổn thương, làm giảm cường độ vận động và không thể thực hiện được hết tầm các động tác của khớp.
Sự khác biệt chính là khi bị bong gân, bạn có thể bị bầm tím xung quanh khớp bị ảnh hưởng, trong khi bị căng cơ, bạn có thể bị co thắt ở cơ bị ảnh hưởng.
Theo ThS.BS Trương Hoàng Huy - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bong gân là một trong những chấn thương phổ biến nhất tại phòng khám chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình. Theo các nghiên cứu dịch tễ, tỷ lệ bong gân ở phụ nữ cao hơn nam giới và ở trẻ em và thanh thiếu niên cao hơn so với người lớn. Những chấn thương này có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nhưng thường thấy nhất ở chi dưới và chi trên, chẳng hạn như cổ chân, đầu gối hoặc cổ tay. Vị trí bong gân thường gặp nhất là khớp cổ chân.
Khi bị bong gân, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng tùy thuộc vào mức độ tổn thương:
- Đau: Đây là dấu hiệu cơ thể thông báo chúng ta đang gặp vấn đề. Chỗ bong gân có thể đau dữ dội, đau tăng khi đứng tì chân, vận động khớp hoặc ấn vào vùng khớp bị tổn thương.
- Sưng: Là dấu hiệu luôn có khi bị bong gân, nhưng cũng cần thời gian khoảng vài giờ để biểu hiện rõ ràng.
- Bầm tím: Khi các thành phần gân, cơ, dây chằng bị chấn thương và chảy máu bên trong sẽ xuất hiện bầm tím.
- Giảm vận động tại khớp bị tổn thương: Tất cả các triệu chứng đau, sưng khiến bạn không thể vận động khớp một cách tự nhiên như trước. Khoảng một ngày sau chấn thương, bạn sẽ tự cảm thấy cứng khớp, phải rất nhẹ nhàng mới vận động lại được.
Các loại bong gân phổ biến
Bong gân được chia làm 3 cấp độ tùy thuộc vào mức độ tổn thương của cơ thể. Thông thường, nguyên nhân gây ra bong gân phổ biến nhất là do chấn thương thể thao. Tai nạn trong sinh hoạt như nhảy từ trên cao xuống, trơn trượt hay bê vác vật nặng thường xuyên hoặc sai tư thế, cố bê vác đồ vật nặng quá sức, thao tác làm việc, lao động có tính chất lặp lại kéo dài... đều là những nguyên nhân dễ xảy ra các loại bong gân.
- Bong gân khớp cổ chân
Đây là bong gân phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Kiểu chấn thương thường gặp nhất là kiểu vẹo trong, khi tiếp đất sai tư thế. Thành phần dễ bị tổn thương nhất là phức hợp mắt cá ngoài (chiếm 85%) bao gồm: dây chằng sên mác trước, dây chằng mác gót, dây chằng sên mác sau. Một số người có dây chằng rất yếu và do đó có nhiều khả năng bị bong gân.
- Bong gân khớp cổ tay
Bong gân xảy ra khi cổ tay bị quá duỗi hoặc xoay bởi một lực lớn, chẳng hạn như do ngã chống tay từ trên cao. Chúng có thể từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào mức độ tổn thương của hệ thống dây chằng phức tạp tại khối xương tụ cốt của cổ tay. Cần lưu ý tổn thương gãy xương kín đáo có thể gây nhầm lẫn với bong gân khớp cổ tay như gãy xương thuyền dẫn đến điều trị không đầy đủ tạo thành khớp giả và gây ra đau mạn tính. Tình trạng này cần phẫu thuật để cải thiện. Vì thế, chẩn đoán và điều trị chấn thương cổ tay đúng cách là cần thiết để tránh các biến chứng lâu dài, bao gồm đau cổ tay mãn tính, cứng khớp và thúc đẩy viêm khớp.
- Bong gân tại các ngón tay
Do tác động của một ngoại lực khiến ngón tay bị quá duỗi hoặc bị lệch về một phía gây bong gân. Lực này làm căng hoặc rách dây chằng bên các ngón tay. Bong gân tại ngón tay khá phổ biến với các môn thể thao sử dụng tay để thi đấu như bóng rổ, bóng chuyền, các môn võ thuật hoặc khi ngã chống tay xuống đất.
- Bong gân tại gối
Vùng gối có hệ thống dây chằng phong phú và quan trọng nhất là dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên ngoài, dây chằng bên trong. Bong gân tại gối là tổn thương giãn dây chằng vùng quanh gối. Đây là tổn thương phổ biến nhất đối với nhiều vận động viên chơi các môn thể thao bằng chân, có nhiều động tác vặn xoắn, va chạm mạnh như bóng đá.
- Bong gân, căng cơ ở vùng lưng
Căng cơ và bong gân vùng lưng là nguyên nhân phổ biến gây đau thắt lưng. Căng cơ và bong gân thường là tổn thương do chấn thương đột ngột hoặc do lao động nặng quá mức trong thời gian dài. Căng thắt lưng hoặc bong gân có thể gây suy nhược. Điều đáng lo ngại là tình trạng đau cột sống thắt lưng và đau cổ do tổn thương bong gân có xu hướng gia tăng ở người trẻ khi lối sống ít vận động, ngồi nhiều và ngồi sai tư thế rất phổ biến.
- Bong gân ở khuỷu tay
Bong gân ở khuỷu tay xảy ra khi khối cơ gấp hoặc khối cơ duỗi ở khuỷu tay gây ra cử động quá tầm vận động thông thường hoặc khi bạn bị kéo căng khuỷu tay quá mức gây giãn hoặc đứt dây chằng quanh khuỷu tay. Bong gân ở khuỷu tay có thể xảy ra cấp tính do lực chấn thương mạnh hoặc mạn tính do lạm dụng sử dụng khuỷu trong các động tác lặp đi lặp lại như chơi Golf.
Phương pháp điều trị bong gân
Nếu bong gân cấp độ 1, người bệnh có thể tự theo dõi và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của các bác sĩ và dây chằng có thể tự phục hồi hoặc người bệnh có thể điều trị phối hợp bằng các biện pháp được viết tắt bằng 4 chữ cái đầu tiếng Anh (RICE) hoặc cải tiến thêm là PRICE.
- PROTECTION (Bảo vệ): Cần bất động và bảo vệ khớp của bạn bằng các dụng cụ hỗ trợ như nẹp, đai, bột...
- REST (Nghỉ ngơi tuyệt đối): Hạn chế đi lại nếu bong gân cổ chân, hạn chế sử dụng bên tay bị bong gân. Hãy để cho khớp và gân cơ của bạn được nghỉ ngơi, có thời gian để phục hồi hoàn toàn.
- ICE (Chườm đá): Cách này giúp giảm sưng và viêm. Lưu ý không chườm trực tiếp lên da, hãy quấn đá vào khăn mỏng và chườm lên vùng đau 20 phút, sau đó lấy đá ra trong 10 phút và lặp lại càng nhiều càng tốt trong 24-72 giờ đầu tiên.
- COMPRESSION (Băng ép): Băng ép cũng giúp giảm sưng. Băng được quấn quanh khớp bị bong gân bằng thun hoặc dụng cụ băng ép chuyên dụng.
- ELEVATION (Giữ cao vùng khớp bị chấn thương): Giữ cho khớp bị ảnh hưởng được nâng cao hơn mức tim của bạn để giúp giảm sưng nề.
- SUPPORT (Nhận hỗ trợ y tế): Cần được hỗ trợ của các nhân viên y tế từ thời điểm chấn thương đến khi bình phục hoàn toàn.
Ngoài ra, trong hai tuần sau chấn thương, mức độ đau, sưng có thể giảm nhanh chóng và tầm vận động và chức năng khớp được cải thiện. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị đau mạn tính kéo dài hàng năm sau đó. Đó là lý do cần can thiệp phục hồi chức năng.
Bác sĩ Trương Hoàng Huy cho biết, các bài tập được thực hiện một cách thận trọng, rất có lợi cho quá trình điều trị. Đi lại bằng nạng để bảo vệ khớp bị chấn thương trong giai đoạn đầu là cần thiết nhưng cần quay trở lại đi bộ bình thường càng sớm càng tốt. Đi bộ không tự nhiên sẽ kéo dài tình trạng khập khiễng và thay đổi điểm tì, gây căng thẳng cho bàn chân và mắt cá chân.
Vì thế, một chương trình phục hồi chức năng đầy đủ cần được xây dựng dựa trên: phục hồi tầm vận động khớp, phục hồi lại sức mạnh cơ, phục hồi lại cân bằng và sự tự tin cho bệnh nhân, phục hồi lại khả năng chơi thể thao.
Với tình trạng bong gân nghiêm trọng, ở độ 2 và 3, khi dây chằng đã tổn thương nhiều, đôi khi đứt hoàn toàn bắt buộc cần phải điều trị y tế tích cực thậm chí là phẫu thuật để tái tạo dây chằng, gân, cơ bị tổn thương hoặc bị rách. Trường hợp phải phẫu thuật tái tạo dây chằng, người bệnh sẽ phải tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị và phục hồi của bác sĩ để dây chằng phục hồi hoàn toàn. Nhiều trường hợp người bệnh chủ quan cho rằng bong gân chỉ là một chấn thương nhỏ và sẽ tự khỏi mà không ảnh hưởng gì, vì thế không nghỉ ngơi chăm sóc tốt khiến bong gân càng trở nên nghiêm trọng, biến chứng viêm sưng tác động không nhỏ đến khả năng vận động sau này.
Vì thế, nếu gặp các trường hợp như sau, hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn tốt nhất:
- Không thể đứng hoặc đi lại được do đau.
- Không thể vận động được vùng khớp bị tổn thương
- Cảm thấy tê hoặc mất cảm giác tại vùng khớp bị tổn thương.
- Vẫn còn đau hoặc không vận động được khớp sau 2 tuần.
Cách phòng tránh bong gân
Để hạn chế tối đa rủi ro chấn thương có thể xảy ra, bác sĩ Trương Hoàng Huy khuyến cáo, người chơi thể thao cần lưu ý:
- Khởi động kỹ trước khi bắt đầu tập thể dục thể thao.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Hãy chú ý tới thời tiết, địa hình, quãng đường chạy bộ hay chơi thể thao của bạn.
- Nên nghỉ giải lao phù hợp và biết lắng nghe cơ thể để biết ngưỡng tập luyện của bản thân.
- Hãy đầu tư thiết bị, dụng cụ thể thao như giày chạy, quần áo phù hợp.
- Thực hiện an toàn trong lao động, sinh hoạt, tránh nguy cơ ngã khi phải thực hiện các công việc cần có sự thăng bằng trên độ cao.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh giúp cơ bắp chắc khỏe, dẻo dai.
- Duy trì cân nặng ở mức phù hợp, tránh thừa cân, béo phì để hạn chế tối đa việc bong gân không mong muốn trong hầu hết mọi trường hợp.
Sau khi sơ cứu khi bị bong gân, bạn có thể đến khoa Y học thể thao & Nội soi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các bác sĩ chẩn đoán, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả để hạn chế rủi ro và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, thực hiện những kỹ thuật chuyên sâu đầu tiên tại Đông Nam Á, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã chẩn đoán và điều trị thành công các bệnh lý cơ xương khớp xảy ra do chấn thương trong thể thao, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, đặc biệt lần đầu tiên thay khớp và ghép xương cho bệnh nhân ung thư, bảo tồn nguyên vẹn chi thể và khả năng vận động.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS Trần Anh Vũ; TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng... Nơi đây trở thành địa chỉ khám và điều trị các chấn thương trong thể thao được nhiều vận động viên, người chơi thể thao không chuyên lựa chọn.
Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, máy đo mật độ xương, máy siêu âm...; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet... để có thể phát hiện sớm các tổn thương và phẫu thuật điều trị thành công các bệnh lý về cơ xương khớp...
BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Hệ thống BVĐK Tâm Anh
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Hotline: 1800 6858
TP.HCM:
2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
Hotline: 0287 102 6789
Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)