Tại sao phụ nữ phải chủ động tham gia dọn dẹp, rửa chén khi được mời đến ăn uống ở nhà bạn trai? Câu hỏi trên luôn gây nên những cuộc tranh luận trái chiều từ nhiều thế hệ khác nhau. Tôi từng được nghe rất nhiều câu chuyện về việc người con gái cảm thấy bị đối xử bất công ra sao khi phải đứng rửa chén ở gia đình bạn trai, đặc biệt là khi không có người xung quanh phụ giúp, hoặc chỉ giúp cho có lệ. Tôi cũng đã xem rất nhiều video lên án hành động rửa chén, phục dịch này của các bạn nữ.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia tư vấn cho rằng phụ nữ không cần phải làm như vậy, vì các bạn là khách, được mời đến dùng bữa, không phải chủ tiệc, cũng không phải là người phục vụ được thuê đến để làm công việc dọn dẹp. Đồng thời, tôi cũng đọc thấy khá nhiều ý kiến so sánh việc này với văn hóa phương Tây, rằng khi khách được mời đến nhà ăn uống thì không bao giờ phải phụ giúp chủ nhà dọn dẹp.
Từ góc nhìn trải nghiệm cá nhân và hòa nhập văn hóa, tôi cho rằng tất cả những ý kiến trên đều có lý của nó, nhưng không ý kiến nào thực sự trọn vẹn. Với tôi, góc nhìn đầu tiên có thể dùng để xem xét vấn đề đó là "nhập gia tùy tục". Điều này có nghĩa là khi chúng ta tham gia vào một vòng tròn xã hội nào đó thì nên quan sát và cố gắng hòa nhập với với những phong tục, nề nếp đã có từ trước (vì nó góp phần giúp giữ gìn hòa khí trong một nhóm người), trừ khi những nề nếp này quá phi lý, lạc hậu hoặc đang được vận hành theo một cách không công bằng với một hoặc một nhóm người trong vòng tròn xã hội đó.
Tôi năm nay vừa tròn 30 tuổi và đã làm dâu ở một đất nước châu Âu vài năm, tôi hiểu vì sao người phương Tây thường không mong đợi khách sẽ giúp họ nấu nướng, dọn dẹp khi được mời đến ăn uống. Điều cốt lõi ở đây là do gia đình người phương Tây thường không đông đúc, kể cả khi tụ tập lại cũng không quá nhiều người và vì vậy, gia chủ có thể dễ dàng một mình tổ chức, dọn dẹp cho một buổi tiệc, có thể với một chút sự trợ giúp từ dịch vụ đặt đồ ăn sẵn và các chiếc máy rửa chén khá phổ biến trong gia đình phương Tây.
Mặt khác, câu chuyện ở xã hội phương Tây, nếu bạn được người khác mời thì bạn cũng sẽ phải sắp xếp mời họ lại vào một dịp khác. Nếu là dùng bữa ở nhà bạn thì bạn cũng xác định mình sẽ là người quán xuyến hết mọi thứ từ nấu nướng đến dọn dẹp và tiếp đãi khách. Khách sẽ chỉ đến khi vừa đúng giờ vào tiệc với một vài món quà nhỏ trên tay, trừ khi bạn chủ động đề nghị họ giúp đỡ từ trước.
Quy mô gia đình nhỏ ở xã hội phương Tây là kết quả của việc giảm sinh trong nhiều thập kỷ, cơ cấu dân số già, ba mẹ ít sinh con nên con cái ít có anh chị em (ít hơn những quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ sinh nở cao hoặc ổn định như ở Việt Nam). Đơn cử như gia đình của tôi ở Việt Nam. Ba tôi có bảy anh chị em, còn mẹ tôi có tám, vậy nên khi cả nhà tụ tập lại ăn uống thì ít nhất cũng gần 30 người.
Với số thành viên đông đúc như vậy, sẽ là rất vất vả, nếu không muốn nói là bất khả thi, nếu một mình gia chủ phải đứng ra làm mọi thứ từ nấu nướng đến dọn dẹp, những người khác là khách chỉ đến ăn rồi về. Vậy nên, tôi thấy cách vận hành phổ biến (và phần nào hợp lý) ở đây là khi mọi người tụ tập lại ăn uống ở nhà gia đình nào đó thì cũng sẽ cùng nhau nấu nướng và dọn dẹp, và quy trình này cứ thế lặp lại khi có tiệc ở những các gia đình khác.
Quay lại câu chuyện, nếu bạn là bạn gái được mời đến ăn nhà bạn trai thì đầu tiên có lẽ bạn nên tìm hiểu cách vận hành của gia đình bạn trai là như thế nào? Nếu họ vận hành theo như cách của gia đình tôi ở trên thì có nghĩa là sau này khi các bạn tổ chức tiệc ở nhà mình, mọi người cũng sẽ sẵn sàng một tay phụ giúp bạn nấu nướng, dọn dẹp. Nên chuyện bạn phải vào bếp khi là khách cũng là điều dễ hiểu.
Một góc nhìn khác để xem xét vấn đề này, đó là khi gia đình bạn gái có việc cần giúp đỡ thì người con trai (có thể là chồng hoặc bạn trai) có sẵn sàng xắn tay giúp đỡ hay không? Em gái của tôi có bạn trai người Việt. Khi ba tôi sửa lại nhà, ông có nhờ bạn trai của em gái "nếu rảnh thì đến phụ một tay". Em rất vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ. Chính thái độ đó của người bạn trai đã giúp em gái tôi cảm thấy rất thoải mái nếu có đến phụ giúp bên nhà bạn trai dọn dẹp, rửa chén...
Tất nhiên, chúng ta cũng không nhất thiết phải phân bì với nhau theo kiểu em rửa chén thì anh cũng phải rửa chén. Không ai mong đợi bạn gái phải mang vác nặng hoặc leo trèo lên mái nhà để đi lại đường dây điện khi đến nhà bạn trai. Điều tôi muốn nói ở đây là tinh thần sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ vất vả với nhau, vì điều đó sẽ luôn được trân trọng trong bất cứ vòng tròn xã hội nào, bất kể nền tảng văn hóa.
>> 'Phụ nữ thời nào cũng cần biết làm việc nhà'
Tuy nhiên, như ông bà ta từng nói:"Có đi có lại mới toại lòng nhau". Những phong tục, nề nếp trên chỉ nên được giữ gìn nếu những người trong vòng tròn xã hội đó đang vận hành nó theo một cách công bằng với tất cả mọi người, nếu không tuyệt đối thì ít nhất cũng tương đối.
Câu chuyện sẽ là không bình thường nếu mọi người mong đợi bạn rửa chén triền miên từ dịp này sang dịp khác và chỉ có một mình bạn phải đứng ra dọn dẹp, rửa chén mà thôi. Hoặc khi đến lượt bạn muốn đãi tiệc thì mọi người lại chỉ kéo đến ăn rồi về, không ai quan tâm phụ giúp bạn cả. Câu chuyện cũng sẽ không bình thường nếu bạn thường xuyên lăn xả giúp đỡ việc nhà bạn trai, nhưng khi nhà bạn có việc cần nhờ thì bạn trai lại lảng tránh không muốn giúp, hoặc chỉ làm qua loa, chiếu lệ.
Nếu câu chuyện là như vậy thì có nghĩa là gia đình bạn trai (và có thể là cả người bạn đó) đang xem những việc bạn làm là điều hiển nhiên, dù bạn có làm thêm bao nhiêu nữa cũng sẽ không ai trân trọng. Nếu đến mức độ đó thì có lẽ bạn nên nghiêm túc xem xét lại mối quan hệ này, có cần điều chỉnh hoặc thay đổi điều gì không, chứ không phải chỉ xem xét mỗi chuyện có rửa chén hay không?
Nói tóm lại, dù có như thế nào thì bạn cũng sẽ cần có thời gian tìm hiểu, quan sát và quyết định cách ứng xử của mình, đừng vội vàng kết luận vấn đề theo hướng nào cả. Đừng tiêu cực hóa vấn đề, nhưng cũng đừng ngây ngô quá. Đừng quá lệ thuộc vào cái nhìn của mọi người, nhưng cũng đừng để cái tôi của bản thân dẫn dắt mình đi quá xa, vì như vậy có khi hay lại thành dở. Hãy để giúp đỡ xuất phát từ sự tự nguyện, không phải sự ép buộc, có như vậy thì kết quả của giúp đỡ mới là ấm áp, không phải ấm ức.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.