Thông tin được ông Phạm Chánh Trung, Chi cục phó, phụ trách Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM đưa ra ngày 18/12, tại Hội nghị hưởng ứng tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam.
Theo ông Trung, các số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành cho thấy mức sinh của thành phố có thể tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới, tác động trực tiếp đến cơ cấu dân số của thành phố.
Tỷ số giới tính khi sinh là 106,4 bé trai so với 100 bé gái, chỉ cao hơn một chút lệ tự nhiên.
"Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang được kiểm soát đạt hiệu quả nhất định", ông Trung nói. Tuy nhiên nếu không duy trì các giải pháp can thiệp chủ động, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn có thể tăng trong thời gian tới.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng tình trạng mức sinh giảm trong nhiều năm, chỉ số giới tính khi sinh có nguy cơ mất cân bằng, là thách thức lớn của thành phố, cần nỗ lực giải quyết. Ngoài ra, môi trường sống ô nhiễm đặt ra nhiều vấn đề trong nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phải làm sao để người dân hạnh phúc, thoải mái, có thể đóng góp nhiều cho xã hội.
Ngành dân số TP HCM tiếp tục thông điệp truyền thông "Mỗi cặp vơ chồng sinh đủ hai con" nhằm tác động đến nhận thức của người dân, góp phần điều chỉnh, ứng phó với mức sinh hiện đang giảm sâu. Các câu lạc bộ tiền hôn nhân ở 24 quận, huyện tăng cường giới thiệu, tư vấn về chương trình khám sức khoẻ trước khi kết hôn.
Thành phố đẩy mạnh các chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh..., góp phần phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh. Điều này giúp trẻ sinh ra bình thường hoặc tránh những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, nâng cao chất lượng dân số.
Trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Tổng tỷ suất sinh giảm từ 3,8 con một phụ nữ năm 1989 xuống còn 2,09 con một phụ nữ năm 2019.
Mức sinh thấp khiến già hóa dân số diễn ra nhanh, tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, sự suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội. Nếu mỗi gia đình chỉ sinh một con với công thức 4-2-1, một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội ngoại, thì trong tương lai phải đối mặt với thảm họa theo công thức ngược lại 1-2-4, tức một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại.
Kinh nghiệm tại một số quốc gia chỉ ra, một khi mức sinh xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh hầu như không có tác động làm mức sinh tăng trở lại. Trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để khuyến sinh nhưng không thành công, tổng tỷ suất sinh của các quốc gia này đều không thể vượt qua mức 1,3 con.