Chia sẻ quanh câu chuyện "thu phí dạy online cho học sinh mùa dịch", độc giả Phương Lê cho rằng nên dựa trên khả năng và sự tự nguyện của mỗi gia đình:
"Về việc có nộp phí học online hoặc hỗ trợ nhà trường, mà cụ thể ở đây là các thầy cô giáo vì dịch bệnh hay không, chúng ta cần xem xét cụ thể từng trường hợp cụ thể như sau:
1. Nếu giáo viên có lên lớp giảng dạy trực tuyến theo thời khóa biểu nhà trường đã thông báo cho học sinh hoặc tự thống nhất giữa giáo viên với học sinh các lớp thì vẫn phải nộp học phí bình thường vì thực tế là giáo viên dạy trực tuyến sẽ vất vả hơn dạy trên lớp. Ngoài việc vẫn soạn giáo án và lên lớp, giáo viên còn phải liên tục tương tác giải đáp thắc mắc cho học sinh cũng như điều chỉnh lại nội dung và thời gian dạy trực tuyến sao cho phù hợp.
2. Nếu giáo viên không dạy hoặc dạy học không hiệu quả (có ý kiến của phụ huynh và học sinh nhưng vẫn không thay đổi tích cực) hay ví dụ như các lớp mẫu giáo, mầm non thì không thể thu tiền học của học sinh được.
3. Đã là hỗ trợ thì nên tùy tâm, vì còn theo hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình. Có những gia đình bố, mẹ học sinh hoặc cả hai người đều bị giảm lương thậm chí mất việc nên hoàn cảnh cũng khó khăn có kém các thầy cô giáo đâu. Còn dưới góc độ tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt, tôi nghĩ giúp đỡ nhau lúc gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn cũng là điều bình thường".
Trong khi đó, bạn đọc lại nêu quan điểm cần thống nhất mức học phí cụ thể, áp dụng chung cho tất cả học sinh:
"Cần thống nhất lại quan điểm:
1. Học phí năm học đã đóng từ đầu năm. Không khấu trừ không hoàn lại (hoặc chưa) thì hà cớ gì bắt phụ huynh đóng riêng thêm khoản học phí học online ngay lập tức?
2. Dù biết là chất lượng học online có thể chưa tốt vì khâu chuẩn bị là không có. Nên chăng cần thống nhất lại mức đóng 50% hay bao nhiêu? Hãy cho một con số chính xác, không thể tuỳ tâm. Liên quan đến tiền bạc hãy nhất quán và minh bạch".
>> Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lê Phạm tổng hợp