Bức xúc về những khoản thu vô lý diễn ra ở hầu hết các trường, các bậc học trên cả nước, lặp lại năm này qua năm khác, độc giả Kim Thanh bày tỏ: "Từ lâu đã có quy định không thu quỹ phụ huynh nhưng các trường vẫn thu hằng năm tiền cha mẹ học sinh, "tự nguyện bắt buộc" từ 200 - 300 nghìn đồng. Khoản tiền đó phụ huynh không được biết dùng vào việc gì. Ngoài ra, còn các quỹ phong trào, khen thưởng, tổ chức các buổi sơ kết, tổng kết, mua đồ dùng dạy học, photo in ấn tài liệu... Số tiền cũng lên tới 300 - 500 nghìn đồng mỗi học sinh. Chưa kể tiền lắp điều hòa, tivi cho các bé đầu cấp mỗi cũng từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng. Không hiểu sao năm nào vào trường mới phụ huynh phải góp tiền mua những thiết bị này trong khi những khóa trước đã thu.
Những bé học từ năm thứ hai lại phải đóng các khoản khác như mua quạt, đèn, sơn lớp, mua đồ trang trí... ít nhất cũng thêm mấy trăm nghìn đồng mỗi em. Thậm chí còn có thêm khoản tiền bồi dưỡng thầy cô giáo bộ môn 500.000 đồng mỗi người. Ngoài ra, còn tiền Bảo hiểm y tế. Dù thời hạn đến cuối tháng 12, nhưng khi vào đầu năm học, các trường đã bắt phụ huynh phải đóng liền, trong khi các khoản tiền phải nộp đã rất nhiều. Đó là chưa kể những khoản hội phí gần như bắt buộc cũng phải ngay, nếu học sinh nào chậm trễ sẽ bị khiển trách và bị cô giáo nhắc nhở nhiều lần".
Đồng cảm với nhưng nỗi bức xúc trên, bạn đọc Vu Van Nam cũng chia sẻ về trường hợp của bản thân: "Tôi thấy khoản tiền tin nhắn 100 nghìn đồng rất vô lý nên đã không nộp và cũng nhận được các ánh mắt kỳ thị. Tôi có giải thích rằng mình không quá quan tâm đến điểm số của con nên không cần dịch vụ này. Thực tế, nếu liên tục nhận được tin nhắn về điểm số của con, khi điểm cao thì không sao, chứ điểm thấp, nhiều phụ huynh sẽ lo lắng và gây áp lực cho con. Cách đây vài năm, tôi suốt ngày cứ nhận được tin nhắn điểm số của một học sinh nào đấy. Sau khi tìm hiểu, tôi biết hóa ra đó là một trường THCS ở Hải Phòng gửi nhầm. Tôi đã phải gửi email cho nhà trường, tin nhắn mới chấm dứt.
Điều đó chứng tỏ nhà trường đôi khi cũng không quá quan tâm đến tác dụng, hiệu quả của việc nhắn tin này. Năm ngoái, tôi được trường của con thông báo phải nộp phí cho dịch vụ này (200 nghìn đồng). Tôi lên gặp nhà trường thắc mắc và được trả lời rằng: "Do đăng ký hai số nhận tin nhắn nên tiền tăng gấp đôi" dù thực tế không phải như vậy. Hỏi ra mới biết là năm nay nếu ai không đăng ký năm sau tự động cả hai số điện thoại của bố mẹ sẽ đều được đăng ký nhận tin nhắn".
"Trường con tôi tổ chức họp phụ huynh đầu năm nhưng giáo viên chủ nhiệm không hề nhắc đến việc học hành ra sao, kế hoạch như thế nào? Sau phần giới thiệu thành tích là tới phần đóng tiền. Trước đó, giáo viên đã nhắc học sinh về bảo cha mẹ chuẩn bị đúng số tiền đó để đến nộp. Năm nào cũng các loại tiền: lắp quạt, sơn tường, bóng đèn... Chỉ tính nguyên bộ sách giáo khoa cũng chỉ có mấy cuốn, còn lại phải mua sách thêm theo nhà trường. Mua xong cả năm cũng chưa chắc dùng đến", độc giả Kathyduongmp ngán ngẩm.
>> Trường mầm non thu phí 'thuê đồng phục bế giảng'
Bạn đọc Phạm Lan Phương chia sẻ: "Mỗi lần họp phụ huynh là một lần thấy ngạt thở. Tôi thấy có quá nhiều người chấp nhận chi tiền một cách lãng phí và thậm chí có cả sự ích kỉ cá nhân ở đó. Giáo dục là một công việc chung của gia đình, nhà trường, xã hội. Thế nhưng chúng ta thường xuyên phải nghe thấy câu "trăm sự nhờ cô". Ban Chi hội phụ huynh xuất hiện cũng chỉ như cánh tay nối dài của nhà trường với muôn vàn các khoản thu "trời ơi đất hỡi". Cuộc họp nào, khi phụ huynh có ý kiến về việc công khai tài chính, cũng chỉ nhận lại những câu trả lời hời hợt, qua loa.
Nếu ai đứng lên trình bày quan điểm riêng, thế nào cũng sẽ bị một nhóm phụ huynh gạt đi. Là người bố, người mẹ, chẳng ai mong con mình sẽ vô tình rơi vào một trận chiến không cân sức, thiếu công bằng và bài ca trù dập hay tẩy chay. Mở đầu mỗi cuộc họp, vị Chi hội trưởng lúc nào cũng sẽ bắt đầu với điệp khúc quen thuộc: 'Thực hiện chủ trương của nhà trường và được sự chấp thuận của cô giáo chủ nhiệm...'".
"Tôi thấy buồn cười là phụ huynh đã đóng tiền xây dựng trường, nhưng từ cái ghế bung vít, cánh tủ gãy bản lề... chúng tôi cũng phải tự bỏ tiền gọi thợ đến sửa. Nhà trường chỉ giao cái xác là căn phòng học, còn lại bên trong tất tần tật đều là phụ huynh tự góp tiền vào để trang bị. Đủ thứ tiền đóng góp vô lý nhưng ít cha mẹ nào dám có ý kiến vì sợ con mình sẽ bị giáo viên chủ nhiệm điểm mặt chỉ tên", độc giả Metomcoi nói thêm.
Thừa nhận nhiều khoản thu vô lý, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cắn răng đóng đủ vì không muốn con bị coi là cá biệt, độc giả Mbk chia sẻ: "Chung phòng của tôi có hai chị mới cho con nhập học lớp một tại trường công lập. Trong đó, một chị chồng mất khi con còn bé nên một mình chị phải gồng mình nuôi con với mức lương viên chức. Những khoản phí đó, gọi là đóng góp tự nguyện, nhưng thật sự không ai dám không đóng cả. Tôi nghe tên các khoản phải đóng thêm cũng thấy hoảng. Tôi tự hỏi bản thân những người có đồng lương ổn định đã thấy khó thì những đứa con của người lao động sẽ thế nào? Những đứa trẻ không có hộ khẩu thành phố cũng phải chịu học trường tư, mức chi phí theo đó có lẽ còn cao hơn nữa. Giáo dục là một ngành đáng lẽ ra phải mang tính chất thiêng liêng và công bằng, nhưng bây giờ thật sự chưa trọn vẹn".
Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận đồng thuận với những khoản thu bất hợp lý, trong cương vị là một phụ huynh, bạn đọc L nhấn mạnh: "Tôi cũng có con học cả trường công lẫn trường tư. Con cái, bố mẹ đều tôn trọng thầy cô giáo, nhưng về các khoản đóng thì tôi luôn rõ ràng, cái nào cần và nên đóng sẽ đóng, còn những cái khác có thể từ chối. Tôi không quan tâm các phụ huynh khác nghĩ gì, cũng không ngại thầy cô miệt thị con tôi vì chuyện đó hiếm khi xảy ra. Ngay cả các phụ huynh khác hay thầy cô nhiều khi cũng chưa hẳn đã đồng tình các phí đó. Còn nếu con có bị miệt thị đi chăng nữa thì cũng không sao. Tôi sẽ tùy tình huống để gặp thầy cô trao đổi, đồng thời cũng giải thích cho con trường hợp đó thầy cô hoặc con đúng sai như thế nào và nên làm gì? Đây cũng là một cơ hội để rèn luyện bản lĩnh cho con. Ngoài ra, tôi cũng khuyên các ba mẹ nên có kế hoạch để nuôi dạy con cho tốt".
Khẳng định sự cần thiết phải thay đổi để trả lại sự cao quý cho giáo dục nước nhà, độc giả Tannghia1959 nhận định: "Sự lạm thu của các nhà trường đã làm thay đổi cái nhìn của người dân đối với ngành giáo dục. Số tiền đó dùng làm gì chỉ nhà trường mới biết. Đầu năm học, có biết bao nhiêu loại tiền được nghiên cứu để thu (với sự góp sức của Ban đại diện cha mẹ học sinh). Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nào cũng chỉ đạo chống lạm thu nhưng kết quả không như kỳ vọng và vẫn không có biện pháp mạnh nào được thực thi. Chỉ có hành động quyết liệt tới cùng mới mong cải thiện được tình hình này".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Việt Thành tổng hợp