Vụ việc ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/2, trường Tiểu học Hồng Hà, TP HCM và một số đơn vị khác thu chi quỹ lớp sai quy định, gây xôn xao, hoang mang cho các bậc phụ huynh. Điều đáng nói, đây không phải hiện tượng hiếm gặp. Các khoản thu trên danh nghĩa "tự nguyện" từ lâu đã là nỗi ám ảnh mỗi đầu năm học của các phụ huynh có kinh tế eo hẹp, bởi đóng không nổi mà không đóng cũng chẳng yên.
Độc giả Hoa Ha chia sẻ câu chuyện của bản thân: "Tôi xác nhận là tình trạng lạm thu quỹ phụ huynh là có thật và đã xảy ra trong khoảng chục năm trở lại đây. Không biết các lớp khác như thế nào, nhưng với lớp tích hợp của con tôi, ngay khi vào lớp 1, cha mẹ học sinh sẽ được hội phụ huynh thay mặt giáo viên chủ nhiệm kêu gọi đóng quỹ xây dựng lớp để mua TV, cải tạo phòng học... trong khi sàn gạch, lớp sơn tường vẫn đang rất ổn, không khác sau khi cải tạo bao nhiêu.
Năm 2014, mỗi gia đình học sinh lớp con tôi được yêu cầu đóng 7 triệu đồng, tính ra cả lớp thu quỹ khoảng 250-300 triệu đồng. Trước đây, khi bé lớn tôi học ở trường này thì không xảy ra tình trạng như vậy. Nhưng sau này quỹ lớp ngày càng thu nhiều. Không ít phụ huynh trong lớp bất bình nhưng vẫn phải cắn răng đóng số tiền lớn ngoài luồng, để con không bị phân biệt đối xử".
Cho rằng việc lạm thu quỹ lớp xuất phát từ một bộ phận phụ huynh có điều kiện kinh tế, bạn đọc Dokhanhduy nhận định: Nếu ai đã có con, và từng tham gia họp phụ huynh hẳn sẽ hiểu chữ 'tự nguyện' đóng góp là như thế nào? Đúng là trường không kêu gọi đóng quỹ, nhưng chính ban đại diện phụ huynh lại đứng lên hô hào đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Nói là vậy nhưng nếu ai không đóng thì sẽ phải nhận những ánh mắt kỳ thị.
Trong một lớp học có từ 35 đến 45 học sinh, khi đi họp phụ huynh, chắc chắn sẽ có người giàu và người khó khăn. Nhưng tôi để ý thấy những phụ huynh kinh tế khó khăn chẳng bao giờ được quyền lên ý kiến về các khoản thu và chi tự nguyện kia. Họ buộc phải bấm bụng làm theo vì không muốn con mình bị soi mói và bị phân biệt đối xử. Thế nên, 'tự nguyện' ở đây thực chất là 'bị ép phải tự nguyện'".
>> 'Gồng mình đóng các khoản thu tự nguyện đầu năm học cho con'
Phản đối việc Ban đại điện cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi, thu tiền quỹ lớp, độc giả Thao Nguyen bức xúc: "Tôi biết một trường Tiểu học cứ mỗi khi phòng học có đèn, quạt... bị hư, giáo viên chủ nhiệm đều kêu gọi phụ huynh chung tay đóng tiền sửa giúp. Đầu năm chưa kịp nhập học, giáo viên đã lên nhóm chung nhờ phụ huynh chung tay vào sơn lại lớp học, sửa lại bàn học cho các con.
Phụ huynh chúng tôi cũng thắc mắc sao nhà trường không tự sửa mà lại kêu phụ huynh mọi thứ vậy? Câu trả lời chúng tôi nhận lại là: 'Kinh phí nhà trường eo hẹp, xin kinh phí từ phòng giáo dục thì quá lâu, nên phụ huynh chung tay sửa cái quạt bị hư cho nhanh'. Thế rồi, cái gì cũng phụ huynh ra sức, phụ huynh đóng góp, chẳng khác gì ngày xưa tôi đi học, bố mẹ phải đóng các khoản phí cơ sở vật chất cho nhà trường. Giờ người ta chỉ đổi cái tên và cách thức thu cho hợp thức hóa là xong".
"Trường công là nơi để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong giáo dục đối với trẻ em: ai cũng được học hành. Tất cả quốc gia trên thế giới đều đảm bảo về cơ sở vật chất trường học ở mức cơ bản, trung bình để trẻ em nào cũng có thể được đi học. Còn phụ huynh nào có điều kiện, có yêu cầu cao hơn, nên chọn trường tư, trường quốc tế. Không thể để một số nhỏ phụ huynh giàu hơn chi phối tiêu chí hoạt động của trường công được. Nếu cứ như vậy thì sẽ biến trường công thành sân chơi của người có điều kiện", bạn đọc Hoai nam nhấn mạnh.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.