Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có riêng Thông tư 55 năm 2011 quy định về điều lệ hoạt động của ban phụ huynh. Thực tế, ngân sách nhà nước chỉ đủ để trường công lập trang bị những nhu cầu cơ bản. Do đó, sự đóng góp, ủng hộ của phụ huynh là một nguồn xã hội hóa quan trọng. Tuy nhiên, trước nhiều vụ việc không hay liên quan đến quỹ hội phụ huynh thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng cần có luật cấm ban phụ huynh thu, chi. Câu chuyện nên dẹp bỏ hay tiếp tục duy trì quỹ phụ huynh vẫn khiến các nhà làm giáo dục phải đau đầu.
Cá nhân tôi cũng có con năm nay vào lớp 1. Gia đình tôi cũng không phải thuộc dạng nhà có điều kiện gì. Đúng là gần đây có nhiều chuyện bất cập liên quan đến quỹ phụ huynh, nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, chúng ta vẫn hay mặc định rằng những phụ huynh trong Ban đại diện cha mẹ học sinh thường là người có điều kiện, nên bày vẽ nọ kia để tạo ra áp lực cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Nhưng có công bằng cho các phụ huynh thật sự nhiệt tình vì cái chung cho con em mà không hề vụ lợi? Đôi khi họ vô tình bị xã hội soi mói ngược lại rằng cậy có điều kiện để chèn ép người khó khăn. Nói vậy thì thử hỏi họ nỗ lực vươn lên, đầu tư cho con ăn học để làm gì? Xin đừng lý luận theo kiểu "có tiền thì ra trường quốc tế mà học", bởi tôi cho rằng mọi người đều phải được đối xử công bằng, và ở đây tôi chỉ bàn trong mặt bằng trường công.
Chúng ta đòi hỏi công bằng và minh bạch trong thu, chi quỹ phụ huynh là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng như vậy không có nghĩa là cào bằng, bắt tất cả phải kham khổ, thiếu thốn như nhau. Tôi không phủ nhận mặt bất công đối với các gia đình khó khăn khi phải chạy theo các khoản thu, nhưng cũng không phải vì thế mà phủ nhận hoàn toàn những đóng góp của Ban phụ huynh, cho rằng mọi khoản đầu tư cho học sinh đều là không cần thiết.
>> Tôi đi họp phụ huynh 'không nói chuyện tiền'
Tôi lấy ví dụ như sau, một trường có cơ sở vật chất đã quá cũ kỹ, nhà vệ sinh xuống cấp nghiêm trọng, nhiều học sinh sợ đi vệ sinh ở trường và phải có nín nhịn luôn cả ngày. Hậu quả là ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý, cũng như khả năng học tập của trẻ. Vậy thì công bằng cho các cháu đó ở đâu?
Ngân sách nhà nước không thể đủ để cải thiện điều kiện sinh hoạt, học hành cho tất cả trường, lớp. Nếu không có quỹ phụ huynh để hỗ trợ thêm thì con em chúng ta sẽ mãi khổ, mãi thiếu thốn. Ngược lại, khi cơ sở vật chất được cải thiện, các con được học tập trong môi trường tốt hơn, vậy tất cả học sinh (cả khó khăn lẫn có điều kiện) đều được hưởng lợi.
Cha mẹ tôi cũng phải bán vé số để nuôi tôi thành tài. Để có tiền đóng học phí, đôi khi họ phải đi mượn nợ, nên tôi hiểu hơn ai hết những khó khăn mà các gia đình có kinh tế eo hẹp phải gánh chịu. Nhưng như tôi đã nói, có quỹ phụ huynh vẫn luôn tốt hơn là không, chúng ta cần công bằng trong thu, chi, chứ không phải cào bằng tất cả.
Thực tế, tôi biết có những nơi người ta làm rất tốt việc san sẻ cho các phụ huynh khó khăn, để hướng đến lợi ích chung tốt nhất cho các cháu. Nếu dẹp bỏ quỹ phụ huynh chỉ vì một vài nơi có biểu hiện tiêu cực, thiếu minh bạch, thì phải chăng là bất công với những nơi làm tốt và có tâm?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.