Ngày khai giảng năm học mới của con, tôi có chút hồi hộp, kèm lo lắng như bao phụ huynh khác. Sáng 5/9, tôi háo hức đưa cậu con trai 3,5 tuổi đi khai giảng năm học mới. Theo giấy mời của nhà trường, tôi đinh ninh sẽ được vào dự lễ khai giảng cùng con. Nhưng sau đó, tôi hụt hẫng khi nhà trường thông báo mời phụ huynh ra ngoài vì lễ khai giảng sẽ chỉ có học sinh, giáo viên và khách mời tham dự.
Buổi sáng cùng ngày, khi vừa đến văn phòng làm việc, tôi đã được một đồng nghiệp bức xúc kể chuyện học thêm của con. Con chị bắt đầu vào lớp 5. Ngay trong ngày đầu tiên của năm học mới chị đã gặp phải một tình huống khó xử khi cô giáo mời con chị học thêm hai buổi một tuần vào lúc 17-19h với lịch học bắt đầu ngay từ ngày 6/9. Chị lo ngại con sẽ mệt mỏi và khó tập trung vào khung giờ đó vì đã học ở trường cả ngày. Thêm nữa, lịch học quá gấp khiến chị không kịp sắp xếp việc ăn uống và đưa đón con. Nhưng giống như nhiều phụ huynh khác, dù không thực sự sẵn sàng cho con đi học thêm, chị có khó thể từ chối kế hoạch do cô giáo đưa ra.
Trở lại việc học của con trai tôi. Con học ở một ngôi trường tư với cơ sở vật chất khá ổn. Tuy vậy, không ít lần tôi cảm thấy không yên tâm, thậm chí lo lắng trong thời gian con ở trường. Lần đầu tiên là khi con nhập học. Lúc đó con mới được hơn hai tuổi. Tôi đã mong đợi Ban giám hiệu và cô giáo phụ trách lớp dành thời gian nói chuyện với vợ chồng tôi và con để làm quen, nhận lớp, nghe hướng dẫn và bàn giao cháu cho nhà trường...
Tuy nhiên, ngay khi vợ chồng tôi đang làm thủ tục ở bàn đăng ký, đã có một cô giáo đến đưa con đi mà không kèm theo lời giải thích nào. Tôi phải chạy theo xem cô giáo đưa con đi đâu, trong khi vợ tôi ở lại hỏi rõ cách làm của nhà trường.
>> 'Nghĩa vụ' góp tiền lắp điều hòa đầu năm học
Lần thứ hai là khi tôi tận mắt chứng kiến (qua hàng rào) cảnh con ngồi khóc trên cầu trượt vì không dám trèo xuống. Lúc đó có lẽ con đã rất sợ nhưng không hề có cô giáo nào có mặt ở khu vui chơi để hỗ trợ. Nếu tôi không có mặt ở đó và kịp thời ra phía cổng trường để gọi các cô giáo ra giúp con trèo xuống thì không biết con sẽ khóc vì sợ trong bao lâu?
Tôi muốn được xem con học qua camera tại phòng tiếp đón phụ huynh của nhà trường, nhưng chưa lần nào được hỗ trợ xem như cam kết, với nhiều lý do được đưa ra. Tôi muốn được xem ảnh chụp bữa ăn của các cháu nhưng nhà trường cũng không gửi. Vậy nên, tôi không biết bữa ăn thực tế của các cháu có giống như thực đơn nhà trường gửi hàng tuần không, món ăn được trình bày như thế nào, các cháu có ăn không...?
Những lo lắng, băn khoăn của tôi và đồng nghiệp có lẽ cũng là nỗi niềm chung của các bậc cha mẹ. Nhưng những chuyện đó chỉ là một phần của đời sống học đường – điều sẽ trở nên sôi nổi hơn khi năm học mới bắt đầu. Tôi chợt nghĩ đến "trường học hạnh phúc", nơi mà mỗi ngày đến trường không chỉ là một ngày vui như khẩu hiệu bấy lâu nay mà còn là một ngày hạnh phúc.
UNESCO và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã xây dựng hẳn bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc, từ cơ cở vật chất trường lớp cho đến năng lực của giáo viên, ứng xử giữa giáo viên với học sinh - phụ huynh và giữa giáo viên với nhau... Điểm mấu chốt và cũng là đích đến của trường học hạnh phúc là tất cả các chủ thể tham gia vào đời sống học đường, kể cả những phụ huynh như tôi, cảm thấy hài lòng sau mỗi ngày học khép lại và háo hức đón chờ ngày học tiếp theo.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.