"Nguồn thu mà Tổng thống Vladimir Putin có được trong những tháng gần đây do giá dầu mỏ, khí đốt tăng cao đã gây tổn hại cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể cảm thấy xấu hổ khi chưa thể giảm đáng kể phụ thuộc vào nguồn cung của họ", Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết hôm 2/6.
"Nga vẫn có nguồn thu, nhưng không thể tiêu được số tiền này", ông Habeck nói thêm.
Đức chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và cùng các đồng minh áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng thấy với Moskva. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt từ Nga, khiến nước này hứng chỉ trích "tài trợ" cho chính quyền Tổng thống Vladimir Putin và chiến dịch quân sự của Moskva. Đức nhận khoảng 35% nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga.
Phó thủ tướng Habeck nói rằng Đức cần nỗ lực hơn nữa để cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, song cũng khẳng định các lệnh trừng phạt đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Moskva và ông Putin "không thể chống chọi lâu hơn nữa".
Trong thông cáo báo chí hôm 25/3, Phó thủ tướng Đức tuyên bố nước này sẽ ngừng mua khí đốt Nga từ giữa năm 2024.
"Dù thực hiện các hành động kiên quyết, chúng ta vẫn cân nhắc cẩn trọng các lựa chọn của mình. Ngay cả khi chúng ta độc lập hơn với dầu khí nhập từ Nga, lệnh cấm vận năng lượng hoàn toàn vẫn là quá sớm", ông Habeck cho biết.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 3/6 thông qua gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong đó có lệnh cấm vận dầu. Lệnh cấm sẽ dần loại bỏ việc nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển trong 6 tháng tới và đối với nhập khẩu dầu tinh chế là trong 8 tháng. Tuy nhiên, EU chưa ban hành lệnh cấm với khí đốt Nga.
Bộ Ngoại giao Nga trước đó ra tuyên bố cho rằng lệnh cấm dầu Nga của EU có thể gây mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và là hành động "tự hủy" với liên minh này.
Ngọc Ánh (Theo Insider)