"Quyết định của Liên minh châu Âu (EU) nhằm loại bỏ dầu và các chế phẩm dầu mỏ Nga, cũng như cấm bảo hiểm đối với tàu hàng Nga, rất có thể sẽ khiến giá nhiên liệu leo thang hơn nữa, dẫn tới mất ổn định thị trường năng lượng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng", Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố hôm 2/6.
Cơ quan này cho biết thêm gói trừng phạt thứ sáu mới được EU thông qua, trong đó có lệnh cấm dầu và cản trở các tàu hàng Nga, sẽ là hành động "tự hủy" với liên minh này.
"Những cản trở với vận chuyển hàng hóa Nga sẽ ảnh hưởng đặc biệt lớn tới nguồn cung nông sản. Cuối cùng, chúng sẽ phản tác dụng, hủy hoại nền kinh tế và an ninh năng lượng EU, đẩy nhanh khủng hoảng năng lượng toàn cầu mà Brussels đã cam kết sẽ tìm cách ngăn chặn", Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Điện Kremlin cùng ngày cho biết lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga sẽ gây tổn hại tới dòng chảy dầu toàn cầu và gây bất ổn cho thị trường năng lượng thế giới. "Nhưng đương nhiên, Nga sẽ không bán lỗ bất cứ thứ gì. Nếu nhu cầu nơi nào đó giảm, đồng nghĩa nhu cầu ở nơi khác đang tăng lên", phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
EU hôm 30/5 nhất trí thông qua lệnh hạn chế cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga từ cuối năm nay. Đây được đánh giá là lệnh trừng phạt cứng rắn nhất của liên minh với Nga kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định động thái loại bỏ dần dầu Nga sẽ "tước đi nguồn tài chính khổng lồ" của nước này và gây áp lực buộc Moskva phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga nhiều lần cảnh báo các lệnh trừng phạt chỉ gây tổn hại cho kinh tế EU.
Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ các nước phương Tây. RT cho biết Nga chịu khoảng 10.000 hạn chế, khiến nước này thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.
Mỹ cùng các đồng minh đã loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này.
Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng cấm hàng loạt quan chức phương Tây nhập cảnh, trong đó có gần 1.000 công dân Mỹ.
Điện Kremlin cũng yêu cầu các nước "không thân thiện" mua khí đốt Nga bằng đồng ruble. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã cắt nguồn cung tới nhiều nước châu Âu vì không đáp ứng yêu cầu này.
Ngọc Ánh (Theo Reuters/TASS)