Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm nay cho biết hai tàu tiếp vận của hải quân Philippines ngày 22/11 tiếp cận bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, để chuyển đồ tiếp tế cho các binh sĩ Philippines đồn trú trái phép trên xác chiến hạm BRP Sierra Madre và "không có bất kỳ sự cố nào xảy ra".
Lorenzana nói rằng tàu hải cảnh Trung Quốc gần đó đã điều một xuồng cao su chở ba người tới chụp ảnh, quay video quá trình tiếp tế của tàu Philippines.
![Xác chiến hạm BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép, năm 2014. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/11/23/xac-chien-ham-o-bai-co-may-jpe-6201-3293-1637658111.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4uWFSq750-cUxkzbzSXtBw)
Xác chiến hạm BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép, năm 2014. Ảnh: Reuters.
Hải quân Philippines hôm 16/11 điều hai tàu tới tiếp tế cho binh sĩ trên bãi Cỏ Mây, nhưng bị ba tàu hải cảnh Trung Quốc chặn đường, chiếu đèn pha và xịt vòi rồng ngăn cản, buộc các tàu này phải hủy nhiệm vụ và quay về.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin chỉ trích hành động của hải cảnh Trung Quốc là "phi pháp" và cảnh báo hành vi "thiếu kiềm chế" có thể đe dọa quan hệ đặc biệt giữa Philippines và Trung Quốc, cho biết đã lên án hành động của Bắc Kinh khi đối thoại với đại sứ Trung Quốc tại Manila.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định vụ tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng và cản trở tàu tiếp tế dân sự Philippines là "hành động làm leo thang căng thẳng khu vực, xâm phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana sau đó gặp đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Hoát Liên. "Tôi đã trao đổi với đại sứ Trung Quốc rằng chúng tôi coi những hành động này như hình thức đe dọa và quấy rối", Lorenzana nói. Ông sau đó ra lệnh tiếp tục triển khai tàu tiếp tế đến bãi Cỏ Mây, tin rằng chúng sẽ không tiếp tục bị hải cảnh Trung Quốc cản trở.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 1999, Philippines, bên cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền với thực thể này, ủi tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre lên bãi Cỏ Mây, biến nó thành một tiền đồn để duy trì hiện diện trái phép ở khu vực.
Quân đội Philippines triển khai một đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú trên tàu chiến này và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.
Đây không phải lần đầu Trung Quốc cản trở tàu Philippines ở bãi Cỏ Mây. Bộ Quốc phòng Philippines cho biết Trung Quốc thường duy trì một tàu hải cảnh gần bãi Cỏ Mây để giám sát hoạt động của tàu cá Philippines, cũng như theo dõi nhiệm vụ tiếp tế cho BRP Sierra Madre.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 18/11 tái khẳng định lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vấn đề Biển Đông khi được đề nghị bình luận về sự việc.
"Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong mọi hoạt động trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", bà Hằng tuyên bố.
Tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng, chiếu đèn pha vào tàu Philippines hôm 16/11. Video: Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)