Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 21/11 cho biết đã chỉ thị cho quân đội điều các tàu tiếp vận trong tuần này quay trở lại bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, để tiếp tế cho các binh sĩ Philippines đồn trú trái phép trên xác chiến hạm BRP Sierra Madre.
"Theo cuộc trao đổi của tôi với đại sứ Hoàng Hoát Liên, Trung Quốc sẽ không can thiệp vào hoạt động tiếp tế này", Lorenzana nói và khẳng định hải cảnh Trung Quốc sẽ không tiếp tục cản trở các tàu tiếp vận Philippines, dù hải quân hoặc cảnh sát biển nước này không tham gia hộ tống.
Lorenzana tuyên bố Trung Quốc "không có quyền cản trở, ngăn cản hoặc quấy rối" tàu của Philippines thực hiện hoạt động tiếp tế cho binh sĩ đồn trú tại bãi Cỏ Mây.
Ba tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 16/11 chặn đường hai tàu tiếp tế Philippines đang di chuyển tới bãi Cỏ Mây. Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon ngày 18/11 chia sẻ video cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu đèn pha công suất cao và xịt vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines. Không ai bị thương trong sự việc, nhưng các tàu Philippines phải hủy nhiệm vụ và quay về bờ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 19/11 nhận định vụ tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng và cản trở tàu tiếp tế dân sự Philippines là "hành động làm leo thang căng thẳng khu vực, xâm phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Phó đô đốc Ramil Roberto Enriquez, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, cho biết hai tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 20/11 ở lại khu vực bãi Cỏ Mây, ít hơn một chiếc so với 4 ngày trước đó. Enriquez nói các tàu dân quân biển Trung Quốc cũng rút khỏi khu vực bãi Cỏ Mây.
Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 1999, Philippines, bên cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền với thực thể này, ủi tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre lên bãi Cỏ Mây, biến nó thành một tiền đồn để duy trì hiện diện trái phép ở khu vực.
Quân đội Philippines triển khai một đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú trên tàu chiến này và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.
Đây không phải lần đầu Trung Quốc quấy nhiễu tàu Philippines ở bãi Cỏ Mây. Bộ Quốc phòng Philippines cho biết Trung Quốc thường duy trì một tàu hải cảnh gần bãi Cỏ Mây để giám sát hoạt động của tàu cá Philippines, cũng như theo dõi nhiệm vụ tiếp tế cho BRP Sierra Madre.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo hôm 18/11 tái khẳng định lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vấn đề Biển Đông khi được đề nghị bình luận về sự việc.
"Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong mọi hoạt động trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", bà Hằng tuyên bố.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)