Các phi công tiêm kích Trung Quốc chiến đấu với máy bay do trí tuệ thông minh (AI) điều khiển trong các trận không chiến mô phỏng để nâng cao kỹ năng, truyền thông Trung Quốc ngày 14/6 đưa tin.
Fang Guoyu, trưởng đội đội bay của một lữ đoàn không quân, cho biết anh bị AI "bắn hạ" trong một cuộc mô phỏng không chiến gần đây. Fang cho hay trong quá trình huấn luyện ban đầu, các phi công đánh bại được AI một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, sau mỗi vòng chiến đấu, AI học được từ đối thủ con người. Trong một cuộc không chiến, Fang giành chiến thắng sát sao nhờ kỹ thuật bay điêu luyện. AI sau đó sử dụng chiến thuật tương tự và đánh bại Fang.
"AI giống một phi công hạng nhất với trình độ xuất sắc vượt trội chúng tôi về khả năng học hỏi, đối chiếu, đánh giá và nghiên cứu", Fang nói. "Nước đi mà bạn dùng để đánh bại AI hôm nay sẽ được nó sử dụng vào ngày mai".
Du Jianfeng, chỉ huy lữ đoàn không quân tham gia không chiến với AI, cho biết công nghệ này ngày càng được tích hợp sâu vào hoạt động huấn luyện. "AI có kỹ năng điều khiển máy bay và đưa ra các quyết định chiến thuật hoàn hảo", Du nói. "Đây công cụ hữu ích để rèn quân vì nó buộc các phi công của chúng tôi phải sáng tạo hơn".
Trung Quốc đang thực hiện tham vọng xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới, với khả năng chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh hiện đại. Trung Quốc những năm qua đạt được nhiều tiến bộ trong nâng cao năng lực không chiến và thậm chí phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5.
Tuy nhiên, việc trau dồi kiến thức và kinh nghiệm quan trọng cần thiết để vận hành hiệu quả một lực lượng tác chiến hiện đại là thách thức lớn hơn và khiến Trung Quốc mất nhiều thời gian để giải quyết hơn nỗ lực thu hẹp khoảng cách công nghệ.
Truyền thông Trung Quốc không đưa chi tiết về thiết bị mô phỏng do quân đội và các viện nghiên cứu nước này phát triển, khiến hệ thống AI bị nghi ngờ về khả năng cung cấp các khóa huấn luyện đủ sát thực tế chiến đấu mà các phi công tiêm kích cần để chuẩn bị cho những cuộc không chiến với máy bay đối thủ.
"Nếu có, điều đó khá tốt", Guy Snodgrass, cựu trung tá hải quân Mỹ và chuyên gia về AI, cho biết. "Nếu không, chúng ta chỉ đang đào tạo nhân sự chống lại AI và đó có lẽ không phải những gì họ sẽ chống lại, do thế giới chưa có tiêm kích do AI vận hành".
"Một trận không chiến thực tế có thể khác biệt với những gì AI thể hiện. Nếu đúng như vậy, đó có thể là chuyện lãng phí công sức", Snodgrass nói. "Nếu đó là thiết bị mô phỏng huấn luyện với tính thực tế cao, nó giúp giảm chi phí huấn luyện không chiến. Chúng ta có thể huấn luyện phi công với chi phí thấp hơn nhiều so với việc cho máy bay xuất kích, đồng thời giảm rủi ro cho phi công".
Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu AI và đang xem xét cách tích hợp công nghệ này vào máy bay giống như Mỹ. AI được đánh giá có thể nhanh chóng xử lý thông tin và tích lũy nhiều năm kinh nghiệm bay chỉ trong thời gian ngắn.
Dương Vĩ, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng không Trung Quốc và cha đẻ của J-20, cho biết thế hệ tiêm kích tiếp theo của nước này có thể được trang bị AI để hỗ trợ phi công nhanh chóng đưa ra quyết định nhằm tăng hiệu suất chiến đấu.
Không quân Mỹ cũng có ý tưởng tương tự. Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) Mỹ năm 2020 trình diễn thuật toán AI có khả năng đối phó phi công giàu kinh nghiệm trong một tình huống không chiến mô phỏng. Hệ thống AI, có khả năng thu thập kinh nghiệm nhiều năm trong vài tháng, 5 lần giành chiến thắng tuyệt đối trước phi công F-16 của Mỹ.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)