"Đợt di tản dân thường quy mô lớn tới Liên bang Nga được tổ chức từ hôm nay, trong đó phụ nữ, trẻ em và người già sẽ được ưu tiên di chuyển trước", Denis Pushilin, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, đăng trên Telegram ngày 18/2.
Pushilin cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sắp lệnh cho các binh sĩ tiến hành cuộc tấn công vào DPR, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Ông này cho hay giới chức Nga và chính quyền tỉnh Rostov giáp biên giới đã sẵn sàng tiếp nhận dân thường ở Donetsk và đã chuẩn bị "nơi tiếp nhận" họ. Pushilin cũng khẳng định DPR luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và đủ khả năng bảo vệ dân thường, song kêu gọi dân chúng lắng nghe và hợp tác với kế hoạch sơ tán.
"Hoạt động di tản có thời hạn sẽ bảo vệ tính mạng cùng sức khỏe của các bạn lẫn người thân", Pushilin cho biết.
Cùng ngày, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng Leonid Pasechnik cũng thông báo về hoạt động di tản dân thường qua Nga, cho biết đã chỉ thị cấp dưới thực thi. Pasechnik cũng kêu gọi những người đủ khả năng cầm súng ở lại bảo vệ quê hương.
Thông báo sơ tán được lãnh đạo DPR và LPR đưa ra trong bối cảnh đụng độ giữa quân chính phủ và phe ly khai ở miền đông Ukraine gần đây leo thang. Một nguồn tin cho biết các trận pháo kích giữa các bên tham chiến gần đây bùng phát dữ dội nhất kể từ năm 2015.
Gần 600 vụ nổ được ghi nhận vào sáng 18/2 tại vùng Donbass, tăng 100 vụ so với một ngày trước đó, một số vụ nổ liên quan đến đạn pháo 152 mm, 122 mm và súng cối cỡ lớn. Xe tăng khai hỏa ít nhất 4 phát đạn pháo, nguồn tin cho biết.
"Họ đang nã đạn, tất cả các bên với mọi loại vũ khí họ có", nguồn tin cho biết. "Điều này chưa từng xảy ra sau giai đoạn 2014-2015".
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine bác bỏ nhận định này, cho biết chưa có báo cáo thiệt mạng về người trong những ngày qua, trong khi đụng độ chết người từng xảy ra trong thời gian thực hiện lệnh ngừng bắn ký năm 2015.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov trong phiên họp quốc hội hôm nay cho biết nước này đang củng cố năng lực phòng thủ, song "không có ý định mở chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng ly khai ở miền đông hoặc bán đảo Crimea".
Giao tranh tại khu vực Donbass gần đây gia tăng sau khi Ukraine nhận nhiều vũ khí từ Mỹ và các thành viên NATO. Số vũ khí này được chuyển tới trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân gần biên giới và lên kế hoạch tiến đánh Ukraine.
Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Trước đợt điều quân của Nga, Mỹ điều chiến hạm và oanh tạc cơ B-1B tham gia "diễn tập ngoài kế hoạch" của NATO tại Biển Đen, với hai thành viên của liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cùng Ukraine.
Nga ngày 16/2 nêu ra 5 bước giải quyết xung đột ở Donbass, trong đó có buộc Ukraine tuân thủ thỏa thuận Minsk và dừng cung cấp vũ khí cho quốc gia Đông Âu này. Nga còn kêu gọi phương Tây rút cố vấn quân sự và dừng mọi cuộc diễn tập giữa Ukraine với NATO, sau đó thu hồi toàn bộ khí tài nước ngoài được chuyển tới đây.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Nguyễn Tiến (Theo Reuters, AFP, RIA Novosti)