"Quá nhiều người tin rằng đại dịch này đã kết thúc. Tôi cảm thấy chúng ta sẽ phải trải qua một số tháng mùa đông khó khăn phía trước và đại dịch vẫn chưa chấm dứt", Phó giám đốc Y tế Anh Jonathan Van-Tam trả lời phỏng vấn hôm 3/11.
Cảnh báo đầy lo ngại được quan chức y tế hàng đầu Anh đưa ra hơn 3 tháng sau khi nước này tuyên bố "Ngày Tự do", dỡ gần như mọi biện pháp hạn chế chống dịch, bao gồm cả quy định đeo khẩu trang và giãn cách, sau khi tiêm vaccine cho hơn 73% dân số, trong đó hơn 67% tiêm đủ liều. Sau ngày "sổ lồng", người dân Anh thoải mái tụ tập tại các câu lạc bộ đêm, quán ăn và sân vận động.
Theo bình luận viên David Leonhardt và Claire Moses của NY Times, ngày càng nhiều quốc gia nhận ra chính sách ứng phó Covid-19 lý tưởng nhất là thích ứng với đại dịch, cân bằng giữa lợi ích và chi phí của các biện pháp phòng ngừa.
Tuy nhiên, "thả cửa" hoàn toàn và xem nhẹ các biện pháp phòng dịch cũng sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng và Anh dường như đang chứng minh điều đó.
Trong năm qua, cách ứng phó đại dịch của Anh đã đạt một số thành công. Quốc gia này đã nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân và sẵn sàng tái áp đặt các biện pháp hạn chế vào mùa đông năm ngoái, giúp giảm mạnh số ca nhiễm.
Nhưng sau "Ngày Tự do", người Anh bỗng nhiên quay lại với cuộc sống bình thường, như thể đại dịch chưa từng diễn ra. Trường học và nơi làm việc hoạt động trở lại mà không cần đeo khẩu trang. Hàng quán mở cửa và một lần nữa, việc gọi xe taxi vào tối thứ 7 ở trung tâm London trở thành thách thức với nhiều người.
"Có cảm giác rằng cuối cùng chúng tôi cũng được sống lại", Devi Sridhar, người đứng đầu chương trình y tế công cộng ở Đại học Edinburgh, cho biết hồi tháng 8. "Chúng tôi có thể bắt đầu cố gắng lấy lại những gì đã mất".
Vấn đề là Anh dường như đã đánh mất sự cân bằng. Số ca nhiễm đã tăng mạnh vào mùa thu, nhiều hơn phần còn lại của châu Âu, Mỹ hoặc nhiều quốc gia khác.
Anh hôm 3/11 ghi nhận hơn 41.000 ca nhiễm và 217 ca tử vong mới do nCoV. Tỷ lệ lây nhiễm nCoV của Anh cao hơn nhiều so với hầu hết các nước cùng châu lục, trong khi số người chết hàng ngày cũng đang tăng.
Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson phản đối đề xuất áp lại các biện pháp phòng dịch, khi cho rằng chúng không giúp làm giảm ca nhiễm.
Ca nhiễm ở Anh bắt đầu tăng trở lại vào cuối tháng 5 và kéo dài trong hai tháng trước khi giảm trở lại. Nhưng xu hướng giảm không mạnh và kéo dài. Anh tuần qua ghi nhận trung bình gần 40.000 ca nhiễm mỗi ngày, giảm 10% so với hai tuần trước nhưng vẫn gấp 15-17 lần so với giữa tháng 5. Tỷ lệ tử vong tăng 24%.
Các chuyên gia cho rằng có ba nguyên nhân khiến tình hình đại dịch ở Anh vẫn phức tạp và đây cũng là lời cảnh báo đối với nhiều quốc gia khác trong cuộc chiến chống Covid-19.
Đầu tiên là vội vã bỏ tất cả biện pháp hạn chế khi tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Dù là nước đi đầu ở châu Âu về tiêm chủng cho người lớn, Anh vẫn chậm trễ phê duyệt vaccine cho trẻ em. Đến tháng 9, vài tuần sau khi học sinh trở lại trường, Anh mới cho phép tiêm chủng cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Tới nay, chỉ có 21% nhóm tuổi này đã tiêm phòng, so với 80% ở người trưởng thành.
Giới chuyên gia cho biết tiêm chủng cho trẻ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của các em, mà còn góp phần hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi.
Hai là khả năng miễn dịch suy yếu theo thời gian, vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Hầu hết chuyên gia y tế tin rằng vaccine vẫn mang lại hiệu quả tuyệt vời trong ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tử vong, thậm chí vài tháng sau tiêm. Nhưng một số nghiên cứu gần đây cho thấy vaccine bị suy giảm khả năng ngăn ngừa các triệu chứng bệnh nhẹ.
Tốc độ tiêm chủng nhanh ban đầu ở Anh đã giúp số ca nhiễm giảm mạnh trong đầu năm nay. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa Anh phải đối mặt với vấn đề suy giảm miễn dịch sớm hơn các quốc gia khác. Anh đã triển khai kế hoạch tiêm tăng cường cho người từ 50 tuổi trở lên, nhân viên y tế và người dễ bị tổn thương về mặt y tế.
Trong vài tháng tới, khả năng miễn dịch suy yếu có thể trở thành vấn đề ngày càng được quan tâm ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, đặc biệt với nhóm dễ bị tổn thương. Mỹ, Israel và nhiều quốc gia khác đã khởi động chiến dịch tiêm tăng cường, nhằm tăng khả năng bảo vệ cho người dân trong bối cảnh đại dịch diễn tiến phức tạp.
Các biện pháp y tế phòng dịch được thực hiện hiệu quả cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch. Tuy nhiên, hồi giữa tháng 7, Anh đã dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế, không tiếp tục bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Háo hức khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, người Anh đã tăng các cuộc tụ tập lớn trong nhà trên khắp cả nước, góp phần làm ca nhiễm gia tăng.
Số ca nhiễm giảm có thể là điều kiện để mọi người được sống tự do hơn, nhưng khi ca nhiễm tăng, việc phải hạn chế tự do là cần thiết. Tuy nhiên, hai biên tập viên của NY Times cho rằng người Anh dường như đã phớt lờ bài học về Covid-19 cùng những lời kêu gọi từ các chuyên gia.
Chính sách Covid-19 gần đây của Anh đã khiến số ca tử vong tăng và bệnh viện quá tải.
"Khi một hệ thống chăm sóc sức khỏe thất bại, ngày càng có nhiều người bị ảnh hưởng và thậm chí tử vong một cách không đáng. Điều này đang xảy ra ngay bây giờ, trên khắp nước Anh", tiến sĩ Kenneth Baillie của Đại học Edinburgh, viết trên Twitter.
Thanh Tâm (Theo NY Times)