Nhật Bản và Hàn Quốc từ lâu đã tìm cách cùng tồn tại với Covid-19, không áp phong tỏa hoàn toàn và dựa vào tinh thần hợp tác của người dân.
Tại Nhật Bản, tân Thủ tướng nước này mới đây tuyên bố sẽ tạo ra con đường tiến tới "kỷ nguyên hậu Covid-19". Hàn Quốc trong khi đó đã thành lập một nhóm chuyên gia nghiên cứu về "sống chung với Covid-19".
Như hầu hết các quốc gia khác, cả hai nước đang tìm cách để sống chung với Covid-19 khi đối mặt với áp lực kinh tế ngày càng tăng và một làn sóng lây nhiễm mới tiềm ẩn trong mùa đông. Nhưng khác với nhiều nước, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều chưa từng áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn và đã cố gắng cùng tồn tại với Covid-19 từ lâu.
Họ theo đuổi một cách tiếp cận "ở giữa", chỉ áp dụng phong tỏa từng phần và chủ yếu dựa vào tinh thần hợp tác của người dân vốn đã quen với việc đeo khẩu trang cũng như giữ khoảng cách xã hội khi đối phó với các dịch bệnh đường hô hấp trước đây. Các doanh nghiệp cũng sẵn sàng đóng cửa sớm để ngăn chặn virus, dù ở mức độ khác nhau.
Cách tiếp cận này không hoàn hảo và cả hai nước thời gian qua đều phải đối mặt với tình trạng gia tăng ca nhiễm, đặc biệt do biến chủng Delta. Nhưng với phần lớn dân số đều đã được tiêm chủng, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn quyết định nới lỏng nhiều hạn chế, đồng thời đang nghiên cứu về hộ chiếu vaccine cùng những sáng kiến khác nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Hàn Quốc gần đây tăng giới hạn số lượng người có thể tụ tập riêng từ 6 lên 8. Quán cà phê, rạp chiếu phim, các địa điểm tổ chức âm nhạc và quán ăn cũng được phép mở cửa muộn hơn so với trước đây, khi giới chức siết hạn chế nhằm kìm hãm đà tăng ca nhiễm kể từ hồi tháng 7.
Những thay đổi diễn ra trong bối cảnh giới chức y tế Hàn Quốc chuẩn bị sẵn sàng chuyển sang chiến lược "sống chung với Covid-19" vào tháng 11. Các quan chức cho biết họ xem hai tuần cuối của tháng 10 là "bước đệm" để "từng bước khôi phục cuộc sống hàng ngày".
Chính phủ Hàn Quốc tuần trước thành lập Ủy ban Hỗ trợ Khôi phục Cuộc sống Thường nhật gồm 40 cố vấn từ cả khu vực tư nhân lẫn nhà nước nhằm lên kế hoạch từng bước đưa đất nước trở lại bình thường, trong đó nghiên cứu về hộ chiếu vaccine là một ưu tiên.
"Chúng ta sẽ biến Covid-19 thành một căn bệnh truyền nhiễm được kiểm soát và không còn phải sợ hãi về những điều chưa biết nữa. Chúng tôi sẽ trả lại cuộc sống bình thường hoàn toàn cho người dân", Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum, đồng chủ tịch ủy ban, tuyên bố.
Theo các quan chức, mục tiêu là nới lỏng hạn chế với người đã tiêm vaccine đầy đủ, yêu cầu những người nhiễm không triệu chứng và bệnh nhân dưới 70 tuổi có triệu chứng nhẹ tự cách ly tại nhà, đồng thời chỉ tập trung theo dõi các ca bệnh nặng. Giới chức cũng không có kế hoạch xóa bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang.
Các chuyên gia Hàn Quốc kỳ vọng đến tháng 11, 70% trong 52 triệu dân nước này sẽ hoàn thành phác đồ tiêm chủng. Tính đến ngày 19/10, khoảng 60% dân số Hàn Quốc đã tiêm vaccine đầy đủ và 79% tiêm ít nhất một mũi.
Kể từ ngày 29/2/2020 đến nay, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của Hàn Quốc là 5 trên 100.000 người và của Nhật Bản là 14 trên 100.000, theo dữ liệu do Washington Post tổng hợp. Trong khi đó, Mỹ báo cáo 222 trường hợp tử vong trên 100.000 người.
Giới chức y tế Hàn Quốc cho hay dù không áp lệnh phong tỏa hoàn toàn, họ vẫn có thể kiểm soát được dịch bệnh nhờ khả năng xét nghiệm rộng rãi, truy vết tiếp xúc nhanh chóng và điều trị tích cực. Người dân hầu hết đều tuân thủ các quy tắc giãn cách phòng dịch.
Tại Tokyo, cuộc sống đang trở lại bình thường sau gần 6 tháng chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19. Cũng giống như Hàn Quốc, Nhật Bản chưa bao giờ áp đặt phong tỏa hoàn toàn. Người dân nghiêm túc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh tay và sẵn sàng đo thân nhiệt khi được yêu cầu.
Giờ đây, các quán bar và nhà hàng có thể mở cửa đến đêm muộn. Ngã 5 Shibuya nổi tiếng đông đúc một lần nữa lại chật kín người.
Sau khi chạm đỉnh vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, số ca nhiễm Covid-19 của Nhật, chủ yếu do biến chủng Delta, đã giảm mạnh. Chính phủ Nhật đang dần mở rộng các dịch vụ nhằm khuyến khích người dân du lịch và tiêu tiền trở lại.
Chỉ riêng tại Tokyo, số ca nhiễm mỗi ngày đã giảm từ hơn 4.000 ca hồi tháng 8 xuống chỉ còn 36 ca được ghi nhận hôm 19/10.
Tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh trong những tháng gần đây với hơn 67% dân số Nhật Bản hoàn thành số mũi. Bên cạnh đó, gần như tất cả người cao tuổi cũng đều đã được tiêm.
Xu hướng này khiến các chuyên gia cảm thấy bối rối khi lý giải các yếu tố có thể đóng vai trò làm giảm số ca nhiễm ngoài tiêm chủng ở Nhật.
Kenji Shibuya, chuyên gia dịch tễ học kiêm giám đốc nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Tokyo, cho rằng số ca nhiễm giảm cho thấy virus có thể đang lưu hành theo chu kỳ trong khoảng thời gian hai tháng, đạt đỉnh sau đó giảm dần.
"Trong vấn đề phong tỏa hay ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, khác biệt giữa các nền văn hóa là điều rõ ràng. So với Anh hay các quốc gia châu Âu khác, ở châu Á, đặc biệt là Đông Á, người dân rất nghiêm túc trong việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách", Shibuya nói.
Theo ông, cũng có thể còn những đặc tính khác của virus mà chúng ta chưa biết khiến số ca nhiễm tại Nhật giảm đột ngột trong khi các tương tác xã hội vẫn tiếp diễn. Song Shibuya cảnh báo về một đợt sóng bùng phát khác đang rình rập, đặc biệt trong những tháng mùa đông.
"Chúng ta bây giờ cần xem xét tới giai đoạn đặc hữu của Covid-19", ông nói thêm.
Hôm 15/10, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố một số biện pháp giúp các tập đoàn khôi phục nguồn doanh thu, sử dụng chứng nhận vaccine và xét nghiệm âm tính để cho phép người dân vào các quán ăn cùng những cơ sở khác, đồng thời kích thích chi tiêu tiêu dùng thông qua các chiến dịch khuyến khích du lịch trong nước.
"Chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng để vừa chống lại virus vừa đưa nền kinh tế đi đúng hướng trở lại. Chúng ta cũng cần xây dựng một hệ thống kinh tế xã hội mới cho thời kỳ hậu Covid-19", ông nhấn mạnh.