Theo thống kê, chỉ với 200 camera, công an Hà Nội đã phạt nguội đến 16 nghìn trường hợp. Đặc biệt, có trường hợp tài xế taxi công nghệ vi phạm 28 lần cùng một lỗi, hay nam tài xế 16 lần vi phạm. Hơn 1.200 ôtô dừng đỗ trái phép trước cổng Bệnh viện Bạch Mai đã bị camera ghi lại... Đó là những con số ấn tượng cho thấy hiệu quả rõ rệt của biện pháp phạt nguội, đánh thẳng vào ý thức của tài xế, khiến họ tuân thủ luật giao thông hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, việc phạt nguội mới chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm với ôtô. Trong khi đó, loại phương tiện chiếm số đông tại Việt Nam, cũng thường xuyên vi phạm giao thông lại là xe máy. Do đó, theo tôi, ngoài việc phủ camera phạt nguội khắp mọi con đường, chúng ta cần chú trọng đến cả việc xử lý vi phạm của người đi xe máy.
Hiện nay, các chế tài xử phạt với các lỗi vi phạm của người đi xe máy vẫn khá lỏng lẻo hoặc thiếu quyết liệt trong việc xử lý. Chủ yếu, chỉ có những đợt ra quân theo chuyên đề, người ta mới thấy lượng lớn người đi xe máy vi phạm luật bị xử phạt. Gần đây nhất, có thể kể đến Nghị định 100 về nồng độ cồn khi lái xe. Trong suốt thời gian đầu, khi lực lượng chức năng ra quân quyết liệt, xử lý triệt để tình trạng người dân uống rượu bia vẫn lái xe, ý thức của toàn dân đã được nâng lên đáng kể. Các quán nhậu vắng khách vì không ai dám nhậu nhẹt tùy tiện nữa. Thế nhưng, sau quãng thời gian ấy, khi không còn những chốt kiểm tra nồng độ cồn dày đặc trên các tuyến phố, tôi thấy tình hình lại đang trở lại như cũ.
>> CSGT dùng loa chấn chỉnh ôtô đi lấn làn xe máy
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với những lỗi như không đội mũ bảo hiểm, chở hàng cồng kềnh, leo lên vỉa hè, đi ngược chiều... Những ngày gần Tết này, chuyện vi phạm giao thông lại ngày càng nở rộ, mất kiểm soát. Lý do là bởi người đi xe máy vẫn có tâm lý không bị phạt nguội, nếu chẳng may gặp CSGT trên đường thì sẵn sàng quay đầu bỏ chạy, bởi không bị bắt là không bị phạt. Lâu dần, tâm lý đó trở thành thói nhờn luật, bất chấp vi phạm, khiến giao thông Việt Nam vẫn rất hỗn loạn.
Nếu lực lượng chức năng tăng cường phạt nguội xe máy như ôtô, không bỏ sót vi phạm, tôi tin sẽ không còn ai dám liều lĩnh lách luật khi ra đường nữa. Ngoài ra, hiện nay, việc quản lý xe máy cũng hầu như bị buông lỏng. Người ta chỉ cần đăng ký một lần là có thể đi suốt đời, vi phạm ra làm sao cũng chỉ bị giữ bằng vài tháng là cùng. Chính điều đó đã tạo nên tâm lý chủ quan, coi thường luật của một bộ phận người đi xe máy.
Tôi cho rằng, cần có hệ thống tra cứu lỗi vi phạm của xe máy tương tự như ôtô. Khi lái xe vi phạm luật sẽ bị ghi nhận trên hệ thống và gửi giấy báo về địa chỉ thường trú của chủ xe. Luật đã quy định khi mua, bán xe phải sang tên nên việc xác định chủ xe không khó (nếu tuân thủ luật).
Khi vi phạm luật giao thông, CSGT sẽ tra cứu thông tin vi phạm của xe máy đó, tạm giữ giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe, thậm chí là phương tiện để yêu cầu người vi phạm nộp phạt đầy đủ các lỗi ghi nhận trên hệ thống.
Đã đến lúc chúng ta phải đối xử công bằng giữa ôtô và xe máy. Bởi bất cứ phương tiện nào vi phạm giao thông cũng có thể gây tắc đường, tai nạn. Ai cũng cần phải nâng cao ý thức lái xe, đừng nói vì người nghèo lấy cái xe máy làm kế sinh nhai mà dễ dàng bỏ qua vi phạm. Chỉ có làm đồng bộ như vậy, chất lượng giao thông Việt Nam mới có thể được cải thiện. Tôi mong sẽ sớm được thấy những người đi xe máy bị phạt nguội.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.