"Tôi ở chung cư. Có một gia đình ở cùng tầng, suốt 10 năm thụ tinh ống nghiệm mới sinh được hai đứa con, nên họ luôn coi con mình là 'vua'. Đứa trẻ ra ngoài hò hét, quậy phá hành lang, đập cả các tủ chữa cháy... Ấy thế nhưng bố mẹ chúng vẫn để yên cho con thích làm gì thì làm. Vậy là chúng mặc sức phá phách, thậm chí còn tiểu bậy ngoài hành lang nhưng bố mẹ chúng vẫn không dọn hoặc có dọn cũng qua loa.
Hàng xóm chúng tôi ý kiến thì bố chúng tỉnh bơ: 'Không ở được thì chuyển đi chỗ khác'. Có hôm tôi đang bế con chơi với một đứa trẻ khác, con nhà đó bỗng chạy lại và vấp chân ngã. Sau đó, đứa bé về mách bố mẹ rằng tôi đánh nó. Người bố còn vác gậy ra rồi bù lu bù loa, dọa nạt tôi".
Đó là những bức xúc của độc giả Dinhlv.ck về chuyện "Những đứa trẻ ồn ào". Hình ảnh trẻ mất trật tự, quậy phá chỗ đông người dường như không còn quá xa lạ ở Việt Nam. Chứng kiến những trường hợp đó, phần lớn người Việt thường nhẫn nhịn, cam chịu, một phần vì thấy vô ích, phần vì ngại những bình luận cho rằng "trẻ con biết gì đâu mà khắt khe".
Trong khi đó, độc giả Chinhhoangco lại bị làm phiền bởi những đứa trẻ ồn ào ở quán cà phê: "Tôi cũng từng gặp những đứa trẻ như vậy ở nơi công cộng, đặc biệt là quán cà phê. Khi đó, tôi dẫn theo con (tuổi mầm non) ngồi trong quán cùng đồng nghiệp. Tôi luôn dặn con đi ra nơi công cộng không được tự ý chạy lung tung qua bàn của người khác. Thế nên, mặc dù cũng hiếu động nhưng con tôi chỉ đi đến coi cá bơi chứ không quậy phá bàn khác.
Còn thằng bé cách mấy bàn của gia đình nào đó lại tự ý chạy lung tung sang bàn tôi, tự ý bốc cả đồ ăn trong dĩa của tôi mà không một tiếng xin phép. Ba mẹ nhà đó nhìn thấy nhưng không một tiếng nhắc con, mà thản nhiên coi như trẻ con được làm như thế. Miếng ăn không là gì nhưng nó thể hiện cách dạy con của mỗi gia đình".
>> Cha mẹ sửng cồ khi quý tử bị nhắc nhở vì phá phách trong quán ăn
Cho rằng lỗi thuộc về các giáo dục thiếu nghiêm khắc của nhiều bậc cha mẹ, bạn đọc Hằng nhận định: "Vấn đề là những đứa trẻ ồn ào đó được nuôi dạy trong môi trường có bố mẹ cũng ồn ào, vô ý thức ở nơi công cộng. Họ coi nơi công cộng là chỗ đùa nghịch, la hét, nên làm sao dạy con tử tế được? Chúng lớn lên rồi sẽ làm bố, làm mẹ và lại tiếp tục dạy những thế hệ ồn ào, quậy phá nữa.
Nhìn vào hành vi, lời nói của một người, có thể đánh giá nhân cách, nhân phẩm con người đó và cả văn hóa của gia đình đó. Người có giáo dục tốt không bao giờ vô ý thức. Vào trong quán ăn hay quán cà phê, tôi cứ thấy trẻ con Việt mà sợ, bỏ đi luôn trước khi gọi món.
Trong khi đó, trẻ con Nhật, Hàn hay châu Âu, Mỹ được bố mẹ giáo dục rất kỹ. Từ trẻ mẫu giáo đã biết giữ phép lịch sự nơi công cộng như thế nào vì chúng có những người bố, người mẹ chuẩn mực, biết dạy con sự văn minh. Họ thấy bị sỉ nhục khi mọi người xung quanh nhìn họ là không biết dạy con. Con cái là hình ảnh của bố mẹ, con cái không biết phép tắc thì bố mẹ cũng như thế".
Đồng quan điểm, độc giả Nhím Sumo kết lại: "Giáo dục trẻ em trước hết là từ thái độ của phụ huynh. Tôi cũng từng chứng kiến những đứa trẻ nô đùa, nói tục, gây mất trật tự nơi công cộng, song cha mẹ chúng không hề nhắc nhở con. Ở đây, tôi cho rằng, chính những người cha, người mẹ đó thiếu tôn trọng những người xung quanh mới dẫn đến thái độ của trẻ em như vậy.
Nhiều người cho rằng trẻ con phải được tự do thoải mái, ưu tiên hơn so với những người xung quanh, nên họ buông lỏng, kệ cho con quậy phá. Có thể họ nghĩ 'ảnh hưởng đến người khác, đâu có thiệt gì cho mình'. Vấn đề thực ra nằm ở hai chữ 'nhận thức'".
- Nuông chiều con nhưng nghĩ là tôn trọng
- Những cha mẹ nuông chiều con theo kiểu 'từ từ sẽ lớn'
- Tôi dạy con cái như làm một sản phẩm chất lượng
- Tôi thành 'bà cô khó ở' vì nhắc nhở đám đông ồn ào trong thang máy
- Một mình tôi 'tuyên chiến' với bốn hàng xóm mở karaoke tra tấn
- Mua máy đo tiếng ồn để đối phó hàng xóm hát karaoke ồn ào