Ngày 27/12, Pháp cùng các nước châu Âu đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech cho người dân. Đối tượng ưu tiên là người già tại các trung tâm dưỡng lão.
Tuy nhiên, trong ba ngày đầu của chiến dịch, chưa đến 100 người đăng ký tiêm vaccine. Con số quá thấp so với 42.000 người tại Đức, làm dấy lên câu hỏi về sự thận trọng của chính phủ khi tiêm chủng cho một cộng đồng đầy người hoài nghi hiệu quả vaccine.
Axel Kahn, chuyên gia dịch tễ, nhận định "chiến lược của Pháp không phù hợp với tình hình quá nguy cấp".
Kahn cho rằng chính phủ nên tìm cách thuyết phục những người đang do dự tiêm chủng bằng "sự minh bạch và thái độ nhiệt tình".
"Chúng ta cần bảo vệ những người Pháp dễ bị tổn thương", ông nói.
Ông cũng kêu gọi các nhân viên y tế tuyến đầu nên được ưu tiên hơn người già tại viện dưỡng lão.
Tại Anh, quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine Pfizer-BioNTech, đến nay đã có hàng trăm nghìn người được tiêm phòng. Số dân Mỹ đã chủng ngừa Covid-19 là hơn một triệu.
Philippe Juvin, giám đốc dịch vụ khẩn cấp tại bệnh viện Georges Pompidou ở Paris, cho rằng dường như Pháp "chẳng có chiến lược vaccine nào".
"Với tư cách cá nhân, tôi muốn tiêm vaccine để làm gương cho mọi người, để họ thấy chúng tôi không chết vì vaccine, mà chết vì Covid-19", ông nói.
Cuộc thăm do của Cố vấn Toàn cầu Ipsos phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy chỉ 40% người Pháp muốn tiêm vaccine. Tỷ lệ khá thấp so với các quốc gia phát triển khác như Anh với 70% và Mỹ với 69%.
Khoảng 200 thị trưởng địa phương của Pháp đã viết một bức thư ngỏ, đăng trên nhật báo Le Figaro, cho biết họ sẵn sàng tiêm vaccine để làm gương cho người dân.
"Người Pháp tin tưởng vào thị trưởng của mình", họ viết.
Hôm 29/12, đáp trả những chỉ trích, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết tiến độ tiêm chủng chậm chạp là do nhà chức trách đang dành thời gian để thu hút sự quan tâm của người dân.
Với sự hoài nghi của cộng đồng, ông nói cần thêm thời gian để "giải thích, giáo dục và nhận được sự đồng thuận".
Thục Linh (Theo AFP)