Tỷ lệ này thấp hơn cả những nước còn có sự hoài nghi đối với chương trình tiêm chủng như Nga (43%) và Nam Phi (53%), chưa tính đến các quốc gia có độ tín nhiệm vaccine cao như Trung Quốc hay Anh. Cuộc thăm dò của Ipos và WEF được thực hiện trực tuyến tại 15 quốc gia với hơn 13.500 người trưởng thành, trong đó có 1.000 người Pháp.
Theo khảo sát, hầu hết người Pháp lo ngại về tác dụng phụ của vaccine. Nước này bắt đầu chiến dịch tiêm phòng hôm 27/12, cùng thời gian với phần còn lại của châu Âu. Nhóm ưu tiên là thành viên tại viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn. Tuy nhiên, trong ba ngày đầu triển khai chiến dịch, chỉ dưới 100 người tham gia chủng ngừa, tốc độ chậm hơn nhiều so với các nước láng giềng như Đức, Mỹ, Anh.
Nhiều người nhớ về các vụ bê bối y tế Pháp trong những thập kỷ gần đây, sợ vaccine Covid-19 được phát triển quá nhanh nhằm mang lại lợi nhuận cho các công ty dược phẩm lớn. Họ e ngại về tác dụng phụ lâu dài sau khi tiêm chủng, vài năm mới biểu hiện.
Phản bác các lời chỉ trích trên mạng xã hội, một quan chức y tế cho biết: "Chúng tôi không đặt mục tiêu chạy nước rút 100 m mà muốn đi đường dài. Khởi đầu thận trọng, nhưng chúng tôi sẽ đẩy mạnh và tiêm chủng trên quy mô rất rộng".
Ông cũng nhấn mạnh các nhà chức trách còn phải đối mặt với "sự hoài nghi rất lớn từ người dân".
Pháp không gặp vấn đề đối với nguồn cung. 500.000 liều vaccine sẽ được chuyển đến vào cuối tuần.
Pháp ghi nhận nhiều ca tử vong vì Covid-19 hơn hầu hết các nước châu Âu. Nền kinh tế bị ảnh hưởng sâu sắc sau hai đợt phong tỏa. Các chuyên gia cho rằng chần chừ trong việc triển khai vaccine làm giảm số người đi tiêm phòng.
Thục Linh (Theo AFP)