Y tá này tiêm vaccine Pfizer ngày 18/12. Sáu ngày sau, khi đang làm việc trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19, Matthew có biểu hiện ớn lạnh, đau cơ và mệt mỏi. Anh được xét nghiệm, phát hiện nhiễm nCoV.
Tiến sĩ Christian Ramers, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Sức khỏe Gia đình San Diego, cho biết ca nhiễm này không nằm ngoài dự đoán của các nhà khoa học. Bệnh nhân chưa thể sinh miễn dịch ngay lập tức sau mũi vaccine đầu tiên.
"Qua các thử nghiệm lâm sàng, chúng tôi biết rằng phải khoảng 10 đến 14 ngày sau khi tiêm vaccine bạn mới an toàn", ông Ramers nói.
Sau đó, người dùng vẫn cần tiêm liều vaccine thứ hai để có miễn dịch toàn diện.
"Mũi tiêm đầu tiên chỉ có độ bảo vệ khoảng 50%. Bạn cần tiêm mũi thứ hai để đảm bảo hiệu quả 95%", Ramers cho biết.
Các chuyên gia cũng đưa ra giả thiết khác. Vì thời gian ủ bệnh của Covid-19 lên tới 14 ngày, có thể y tá Matthew đã nhiễm nCoV trước khi tiêm chủng hôm 18/12.
Trường hợp này là lời nhắc nhở đến người dân Mỹ và toàn thế giới, rằng vaccine không phải "liều thuốc tiên" chữa bách bệnh. Giới chuyên gia cho rằng Covid-19 chỉ bị đẩy lùi khi mọi người tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng như đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội.
"Các chuyên gia y tế đều rất lạc quan về triển vọng chấm dứt Covid-19, song quá trình này sẽ diễn ra chậm chạp, vài tuần đến vài tháng sau khi vaccine được tung ra", ông Ramers nói.
Thục Linh (Theo ABC)