Năm ngoái Miền Trung bị lũ lụt, tôi nhờ một người quen gửi giúp một chút quà tới những hoàn cảnh khó khăn ở Huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế - là nơi tôi đã gắn bó với công việc phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo gần 10 năm.
Chị bạn nhận lời và nhắn lại với tôi rằng chị ấy sẽ trao quà và chụp ảnh gửi cho tôi. Tôi bảo chị ấy nhất định không được chụp ảnh những người nhận quà vì điều đó sẽ làm họ tổn thương hai lần.
Những con người đó với hoàn cảnh khốn khó, phải nhận trợ giúp đã là tổn thương rồi, và lại thêm một lần tổn thương khi được yêu cầu phải ngồi đúng tư thế, phải thế này thế nọ để người trao quà chụp được cái ảnh như ý để gửi cho ai đó (cho dù với mục đích tốt đẹp).
Rồi những bức ảnh đó được trưng bàn trên Facebook đi kèm (có khi) là những thông tin khá là chi tiết về người nhận quà. Lý do để những người đi trao quà làm việc đó có thể là để chứng minh tính minh bạch của công việc thiện nguyện, có thể là để "khoe" việc làm của cá nhân hoặc cơ quan mình, cũng có thể để thể hiện sự chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Nếu bạn bị rơi vào hoàn cảnh của người đi nhận quà thì bạn có muốn "được" lên phương tiện thông tin đại chúng trong hoàn cảnh đó hay không? Nếu câu trả lời của bạn là "không" thì xin hãy hạn chế chia sẻ những hình ảnh như thế trên mạng xã hội.
>> Để người từ thiện không bị 'sốc' thị phi
Có lẽ do chúng ta nghèo quá hay sao hay vì lý do gì khác mà việc được xác nhận là hộ nghèo lại được coi như một đặc ân, được cho là một sự may mắn.
Nếu ta đứng ở vị trí của người phát cơm thì ta thấy người nhận cơm là người may mắn vì ăn không tốn tiền, khi đói có người giúp, nhưng nếu chúng ta đứng ở vị trí của người nhận cơm thì chắc chắn ta không nghĩ như thế.
Khi đó ta nghĩ nhiều về thân phận, về lòng tự trọng khi đứng trong cái hàng dài nhận cơm. Vậy thì, nếu tất cả những người đi làm từ thiện phát quà trong tâm thế của người nhận quà thì công việc thiện nguyện mới lan tỏa hết ý nghĩa của nó.
Con người ta nghèo mới sinh ra hèn, nhưng sâu thẳm trong mỗi một con người ai cũng có nhu cầu được tôn trọng và có lòng tự trọng. Chỉ là đôi khi nhu cầu đó và lòng tự trọng đó bị những khó khăn của cơm áo gạo tiền, của những cuộc mưu sinh đầy gian khó lấn lướt đi.
Tôi đã từng làm xóa đói giảm nghèo gần 10 năm, đã từng chứng kiến nhiều mảnh đời nghèo khó và tôi nhận ra rằng câu nói "của cho không bằng cách cho" luôn đúng. Tôi đã chứng kiến nhiều người nghèo sẵn sàng bỏ về, không nhận hỗ trợ chỉ vì một câu nói khó nghe của bên tài trợ. Họ bỏ về không phải vì tự ái mà là vì tự trọng.
Khi những chuyện như thế xảy ra và lan truyền trên mạng thì nhiều ý kiến cho rằng "nghèo mà ưa làm cao". Không, họ không làm cao nhưng họ muốn giữ một chút tự trọng cuối cùng cho họ vì không phải ai nghèo cũng hèn, ai nghèo cũng có xuất thân thấp kém và không phải ai nghèo cũng có khả năng chịu tủi nhục. Có những người từng một thời oanh liệt nhưng rồi thất cơ lỡ vận, thời thế đổi thay khiến đời họ phải gian truân. Những con người đó rất dễ trở thành kiểu "nghèo mà còn làm cao".
Trong những năm làm xóa đói giảm nghèo tôi cũng đã từng chứng kiến những giọt nước mắt của những người đàn ông bằng tuổi cha tôi, bằng tuổi ông tôi. Họ khóc không chỉ vì những món quà vật chất mà họ nhận được mà quan trọng hơn là vì những cảm thông, những chia sẻ, thấu hiểu và sự tôn trọng mà những người làm thiện nguyện dành cho họ.
Người nghèo, dù họ già hay trẻ, là đàn ông hay phụ nữ đều dễ bị tổn thương. Vì thế nếu được thì những người làm thiện nguyện nên chú ý đến những cử chỉ, hành động, lời nói để làm sao người nhận tấm lòng của mình trong một tâm thế thoải mái và ít phản cảm nhất.
Có những cử chỉ rất nhỏ, những hành động do thói quen hay những lời nói vô tình nhưng cũng có thể gây thêm tổn thương cho những mảnh đời bất hạnh. Không nên nghĩ rằng đã được cho rồi còn bắt bẻ, đi làm từ thiện vất vả lại bị soi mói, thay vào đó nên lắng nghe những lời "soi mói" để điều chỉnh cử chỉ, hành động và lời nói nhằm giúp cho công việc thiện nguyện của mình có ý nghĩa hơn.
Trong đợt lũ ở miền Trung năm ngoái có một cô ca sĩ làm từ thiện rất nổi tiếng chắc ai cũng biết. Tôi rất trân trọng việc làm của cô ấy. Tuy nhiên có một một clip trên trang Facebook của cô ấy làm tôi hơi e ngại. Khi phát tiền cho người dân ở một xã, người nhận tiền đứng ở mặt đất trong khi cô ấy đứng trên hai bậc tam cấp.
Cô ấy cao gần 1m7 lại đứng cao hơn mặt đất tầm 40 cm nên một số người già, người thấp nhỏ, lưng hơi còng khi nhận tiền thì hai tay cầm nắm tiền cúi gập người cảm ơn, chỉ ngang nửa người nữ ca sĩ.
>> Cứu trợ thế nào để không day dứt
Tôi đã nhắn tin và nói suy nghĩ của tôi cho cô ca sĩ ấy về những gì tôi đã chứng kiến vì tôi biết đó chỉ là một sự sơ suất, thiếu nhạy cảm và tinh tế. Không biết vì tin nhắn của tôi hay vì lý do khác mà những lần sau cô ấy không còn đứng cao hơn dân.
Hôm nay tôi đọc được một câu rất hay của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư "Làm việc thiện đã tốt, nhưng làm xong quên luôn còn tốt hơn...". Tôi muốn nói thêm rằng "Làm việc thiện đã tốt, nhưng làm nó một cách nhân văn còn tốt hơn".
Nguyệt Thanh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.