"Những ai đùa với lửa sẽ bị bỏng. Tôi hy vọng phía Mỹ hoàn toàn hiểu được điều đó", hãng thông tấn Xinhua dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm ngày 28/7.
"Lập trường của chính phủ và người dân Trung Quốc về vấn đề Đài Loan là nhất quán. Ý chí kiên định của hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc là kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc", ông Tập nói thêm.
Theo Xinhua, cả hai lãnh đạo đều mô tả cuộc điện đàm "thẳng thắn và có chiều sâu".
Nhà Trắng cho biết cuộc điện đàm bắt đầu lúc 8h33 (19h33 giờ Hà Nội) và kết thúc sau hai tiếng 17 phút. "Tổng thống Biden nhấn mạnh chính sách của Mỹ không thay đổi và Mỹ phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan", theo thông cáo của Nhà Trắng về cuộc điện đàm.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng lãnh đạo hai nước thống nhất sẽ gặp trực tiếp và quan chức hai bên sẽ làm việc để xác định thời điểm phù hợp diễn ra cuộc gặp.
"Về vấn đề thuế quan, Tổng thống Biden giải thích với Chủ tịch Tập những quan ngại chính về các hành vi không công bằng của Trung Quốc gây hại cho công nhân và các gia đình Mỹ, nhưng ông không thảo luận về bất kỳ bước tiềm năng nào có thể thực hiện để dỡ bỏ thuế quan trên diện rộng", quan chức này cho hay.
Đây là cuộc điện đàm thứ năm giữa lãnh đạo Mỹ - Trung từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh song phương căng thẳng vì vấn đề Đài Loan và thương mại. Lần gần nhất lãnh đạo Mỹ - Trung điện đàm là ngày 18/3, khi ông Biden cảnh báo ông Tập không ủng hộ Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Đài Loan luôn là vấn đề nóng trong quan hệ song phương Mỹ - Trung những năm gần đây. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẽ dùng vũ lực nếu cần. Mỹ không thiết lập quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng là bên cung cấp vũ khí chính cho hòn đảo.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi được cho là có kế hoạch thăm Đài Loan vào tháng 8. Bà từ chối bàn về mọi kế hoạch di chuyển, viện dẫn lý do an ninh, khi được hỏi về thông tin trên.
Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ dưới thời Tổng thống Biden đến hòn đảo. Lần gần nhất một chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan là khi ông Newt Gingrich đến hòn đảo năm 1997.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/7 cảnh báo Mỹ sẽ hứng chịu "mọi hậu quả" nếu chuyến thăm của bà Pelosi diễn ra.
Quân đội Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đối phó nếu bà Pelosi tới Đài Loan, trong khi quân đội Mỹ được cho là đang có kế hoạch tăng cường di chuyển lực lượng và khí tài ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng cách tiếp cận của hai nước có thể dễ dàng dẫn đến nguy cơ xung đột.
Các nguồn tin nhận định biện pháp quân sự của Trung Quốc có thể gồm ngăn bà Pelosi hạ cánh xuống đảo Đài Loan hoặc điều tiêm kích áp sát, cản trở máy bay quân sự chở bà đến hòn đảo. Nhà Trắng dường như cũng đánh giá liệu Trung Quốc đang nghiêm túc xem xét biện pháp quân sự hay chỉ phát tín hiệu nhằm gây áp lực, buộc bà Pelosi hủy chuyến thăm.
Bà Pelosi hồi tháng 4 từng dự định thăm Đài Loan, nhưng chuyến đi bị hoãn sau khi bà có kết quả dương tính với nCoV. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi đó chỉ trích chuyến đi là "hành động khiêu khích ác ý".
Đầu tháng này, ông Vương tiếp tục nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng Washington không nên gửi bất kỳ tín hiệu nào ủng hộ "Đài Loan độc lập".
Huyền Lê (Theo AFP, SCMP)