Gần đây tôi có gặp một câu hỏi vui trên mạng xã hội: "Nếu bạn là dì ghẻ thì bạn sẽ trộn hai thứ nào lại rồi bắt Tấm nhặt trước khi đi hội?". Có nhiều câu trả lời khiến người ta cười vỡ bụng, như là trộn gạo với nếp, trộn sữa bột hiệu A với sữa bột hiệu B. Nhưng có một câu trả lời cười ra nước mắt: trộn tiền cá nhân với tiền từ thiện.
Câu chuyện từ thiện và "ông Sao Kê" đang hâm nóng mùa Tết trung thu, hâm luôn cả mùa dịch giã giãn cách. Trước hết, có người đăng đàn thách những ai kêu gọi tiền từ thiện sao kê tài khoản. Khi ngân hàng còn chưa kịp sao kê thì người ta đồn ầm ĩ, đưa cả tin vịt như là ngôi sao nào đó bị công an bắt. Khi bản sao kê dài mấy chục nghìn trang giấy được đưa ra thì lại bảo là còn mấy tài khoản khác nữa, cần phải thuê công ty kiểm toán độc lập tới kiểm, là nhiều như vầy bá tánh làm sao đọc cho nổi, chụp hình đống giấy sao kê để cho thiên hạ coi mà thôi...
>> Cứu trợ thế nào để không day dứt
Trong bài hát "Thật bất ngờ" phiên bản Táo Quân, mạng xã hội được miêu tả là "Facebook bỗng dưng trao cho ta bao nhiều quyền... nào là quyền câu like... khi thấy cần thì rủ nhau đấu tố". Tiết mục sao kê tiền từ thiện giờ đã trở nên tiết mục đấu tố, với các Facebooker cho mình cái quyền vùi dập những người được cho là nổi tiếng, vì cái tội họ đi kêu gọi từ thiện.
Việc "đấu tố" những người nổi tiếng kêu gọi tiền từ thiện để lại những hậu quả mà không chỉ có người nổi tiếng mới phải chịu. Bất kỳ ai có đứng ra kêu gọi tiền từ thiện, dù là với khoản nhỏ hơn rất nhiều, giờ cũng trở nên nơm nớp. Có một trường hợp kêu gọi từ thiện để mua ít đồ dùng bảo hộ ủng hộ y bác sĩ mà cũng có người tố cáo là mua đồ dỏm khiến các bác sĩ bị nguy hiểm.
Trong khi phía người nhận đã khẳng định là lô hàng chất lượng đúng chuẩn thì công an vẫn phải đi điều tra. Nguyên vì với cái "không khí sôi sục" kiểu này thì với bất kỳ lời tố cáo nào bên công an cũng phải điều tra mà thôi, không thì lại dư luận này nọ. Mặt khác, khi có công an tới điều tra thì y như là các lời đồn sẽ thổi lên thêm. Người kêu gọi từ thiện coi như xác định là "cây ngay không sợ chết đứng", chỉ có điều là được vạ thì má đã sưng, mà sưng là do các facebooker đòi công bằng cho bá tánh.
Thực tế, không ai có thể khẳng định rằng tiền từ thiện đã bị ăn bớt hay không, trừ những người đã đứng ra kêu gọi. Nhưng ai ai cũng có thể khẳng định rằng, sau đợt này sẽ chả có ai dám đứng ra làm từ thiện nữa. Hay nói đúng ra là ai muốn làm từ thiện thì phải tự bỏ tiền túi, tự đi tới nơi, tự tìm người gặp nạn và còn phải mua quà chớ không được đưa tiền, còn làm sao phải mua đúng quà mà bà con cần thì không ai nói. Và còn phải lựa chọn chỗ đứng, xem xét chiều cao của người nhận và đừng có đứng cao hơn bà con khi trao quà...
>> Để người từ thiện không bị 'sốc' thị phi
Mùa lũ lụt, màn trời chiếu đất, có người ngồi trên cái phản chung quanh đầy nước đã hai ngày, phải ăn mì gói cầm hơi nhưng không dám ăn nhiều vì sợ nóng. Đi từ thiện mà mang đồ ăn thì phải mang thứ gì không bị hư, và cứ thế, người dân tha hồ ăn mì tôm cho sướng.
Mấy cái tiêu chí về danh dự, về cách cư xử, về chuyện chụp hình, dần dần "ám" những ai có chút ý định làm từ thiện. Về phần tôi, thì tôi vẫn nghiêm chỉnh đóng góp từ trước tới giờ và tôi cũng không rõ những ai cầm tiền mình đóng góp đã làm cái gì. Đó là việc của luật pháp. Tôi thì đã biết rõ từ lâu, không bao giờ đứng lên kêu gọi cái gì hết, dù chỉ là vài đồng của các bạn trong lớp góp lại ủng hộ bạn nào đấy gặp nạn.
Bởi vì đó là chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Nhưng đó là hồi xưa, còn hồi nay thì người kêu gọi từ thiện có tâm và kẻ ăn bớt giờ cũng bị trộn chung với nhau, còn khó nhặt ra hơn so với hai món sữa bột của bà mẹ bỉm sữa luôn ấy chứ.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.