Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc được đăng ngày 15/5, một ngày trước chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga vẫn sẵn sàng đối thoại và đàm phán để giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài hơn hai năm ở Ukraine.
"Chúng tôi đánh giá tích cực cách tiếp cận của Trung Quốc nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine", ông Putin nói. "Ở Bắc Kinh, họ thực sự hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ cũng như tác động chính trị toàn cầu của cuộc xung đột này".
Theo người đứng đầu Điện Kremlin, ngay từ khi xung đột bùng phát, Trung Quốc đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao. "Ukraine và phương Tây chưa sẵn sàng cho một cuộc đối thoại bình đẳng, trung thực và cởi mở dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và xem xét lợi ích của nhau", ông nói.
Trung Quốc từ chối lên án Nga về cuộc chiến ở Ukraine, lập luận rằng việc NATO mở rộng cùng "tâm lý Chiến tranh Lạnh" của Mỹ là nguyên nhân dẫn đến xung đột.
Hơn một năm trước, Trung Quốc đưa ra kế hoạch hòa bình 12 điểm, đưa ra những nội dung như kêu gọi ngừng bắn, nối lại đàm phán hòa bình, tránh rủi ro hạt nhân, giảm tác động từ cuộc khủng hoảng lên kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề nhân đạo.
Tuy nhiên, Trung Quốc không đi sâu vào chi tiết và đề xuất của nước này chưa tạo được bất cứ thay đổi nào trên thực tế chiến trường ở Ukraine. Mỹ bày tỏ hoài nghi về sáng kiến này, cho rằng Trung Quốc đang thể hiện là bên kiến tạo hòa bình nhưng diễn giải sai lầm cuộc xung đột và không lên án Nga.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Bắc Kinh tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra các nguyên tắc bổ sung kêu gọi hạ nhiệt tình hình, tạo điều kiện thiết lập lại hòa bình, ổn định và giảm thiểu tác động đến kinh tế thế giới.
Ông Putin cho rằng những nguyên tắc bổ sung này là "bước đi thực tế và mang tính xây dựng" nhằm "phát triển ý tưởng về sự cần thiết phải vượt qua tâm lý Chiến tranh Lạnh". Ông cũng khẳng định kế hoạch hòa bình của Trung Quốc và nguyên tắc ông Tập đưa ra đã tính đến những yếu tố phía sau cuộc xung đột.
Thế khó của Trung Quốc trong hòa giải xung đột Ukraine
Chiến sự Ukraine đã bước sang năm thứ ba và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi cả Kiev và Moskva đều không có ý định ngồi vào bàn đàm phán. Các nước phương Tây dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ vào tháng 6, song không mời Nga.
Moskva chỉ trích hội nghị này là vô nghĩa và cho rằng các cuộc đàm phán phải tính đến "thực tế mới" là 4 vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập ở Ukraine. Trung Quốc tham dự một số cuộc đàm phán chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh và Ukraine đang nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh tham gia.
Tổng thống Nga dự kiến thăm Trung Quốc trong hai ngày 16-17/5. Giống như ông Tập chọn Moskva cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử năm ngoái, lãnh đạo Nga cũng tới thăm Bắc Kinh sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ năm hôm 7/5.
Trong cuộc phỏng vấn với Xinhua, Tổng thống Nga cho biết ông cùng ông Tập đã đưa mối quan hệ song phương Nga - Trung trở nên vững mạnh nhất trong lịch sử nhờ dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.
Huyền Lê (Theo Reuters, RT)