Xung đột Ukraine đang gây ra những biến động lớn với bối cảnh địa chính trị toàn cầu, nhưng lại là cơ hội lớn để Trung Quốc thúc đẩy hình ảnh quốc gia kiến tạo hòa bình tìm giải pháp cho khủng hoảng.
Ngày 24/2, tròn một năm Nga mở chiến dịch ở Ukraine, Trung Quốc công bố đề xuất hòa bình 12 điểm, kêu gọi Moskva và Kiev nối lại đàm phán và phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Theo Ivan Lidarev, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Đại học King’s College London, khi đưa ra sáng kiến hòa bình Ukraine, Trung Quốc đang tận dụng thời điểm cả thế giới hy vọng chấm dứt xung đột và khôi phục ổn định cho thị trường lương thực, năng lượng toàn cầu.
Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá có nhiều đòn bẩy hơn hầu hết lãnh đạo thế giới khác để thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin hướng tới giải pháp hòa bình. Khi hội đàm với ông Putin trong chuyến thăm Moskva tháng trước, ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng "đóng vai trò tích cực" trong khôi phục hòa bình Ukraine bằng "giải pháp chính trị và ngoại giao".
Wang Jiangyu, giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, cho rằng với nỗ lực này, Chủ tịch Trung Quốc muốn được xem như một chính khách có tầm ảnh hưởng tương đương lãnh đạo Mỹ trên trường quốc tế. Tuy nhiên, mục tiêu trở thành "nhà môi giới hòa bình" của Trung Quốc sẽ gặp khá nhiều khó khăn.
Trung Quốc gần đây đã thành công trong việc thúc đẩy hai "kình địch" ở Trung Đông là Arab Saudi và Iran ngồi lại với nhau để đi đến thỏa thuận bình thường hóa quan hệ. Nhưng các nhà phân tích nhận định họ khó làm điều tương tự với Nga và Ukraine.
"Arab Saudi và Iran thực sự muốn đàm phán và cải thiện quan hệ, trong khi Nga và Ukraine thì không, ít nhất vào thời điểm này", Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, nói.
Dù Nga và Trung Quốc đã tuyên bố tình hữu nghị "không có giới hạn" và hai nước gần đây ngày càng thắt chặt quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ không mạo hiểm gia tăng sức ép để buộc Moskva chấp nhận các điều kiện đàm phán mà Điện Kremlin cho là không có lợi.
Cả Nga và Ukraine đến nay đang thể hiện lập trường trái ngược nhau về điều kiện đàm phán hòa bình. Ukraine chỉ chấp nhận thỏa thuận nếu Nga rút toàn bộ lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ đang kiểm soát, trong đó có bán đảo Crimea, trong khi Moskva tuyên bố điều này là bất khả thi và Kiev phải chấp nhận "thực tế mới".
Đề xuất hòa bình của Trung Quốc không đưa ra bất cứ giải pháp nào cho bất đồng cốt lõi giữa Nga và Ukraine. Andrew Small, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn chính sách Quỹ Marshall Đức có trụ sở ở Washington, nhận định Trung Quốc dường như không sẵn sàng thực hiện bất kỳ bước đi nào ngoài thể hiện mong muốn hòa bình, vì họ muốn tránh can thiệp trực tiếp vào những gì Nga muốn làm.
"Tôi có cảm giác là Trung Quốc vẫn sẽ cho Nga không gian để làm những gì Moskva muốn", Small nói.
Ngay cả khi Trung Quốc thực sự muốn trở thành bên hòa giải xung đột, mối quan hệ thân thiết với Nga cũng sẽ làm dấy lên nhiều hoài nghi về vai trò của Bắc Kinh, đặc biệt nếu họ đề xuất những điều kiện thỏa hiệp gây tranh cãi.
"Nếu Trung Quốc đưa ra những điều khoản mà Nga cho là bất lợi trong kế hoạch hòa bình, dư luận trong nước và quốc tế sẽ coi đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang phải nhượng bộ trước áp lực phương Tây, trong khi Moskva xem đây là sự phản bội", chuyên gia Lidarev nói.
Trên thực tế, Nga hoan nghênh kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, nhưng cũng bày tỏ về tính khả thi của nó. "Điều không thể phủ nhận là Trung Quốc có tiềm năng hòa giải rất hiệu quả. Nhưng tình hình ở Ukraine rất phức tạp và cho đến nay không có triển vọng về giải pháp chính trị", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 6/4 tuyên bố.
Một lý do khác có thể khiến Trung Quốc thận trọng trong nỗ lực hòa giải xung đột là nó có thể khiến Bắc Kinh trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.
"Nếu Trung Quốc thúc đẩy vai trò trung gian quyết liệt hơn và dấn thân sâu hơn vào nỗ lực hòa giải, điều đó sẽ đẩy họ lên tuyến đầu, khi tất cả các bên đều theo dõi sát sao mọi động thái của họ", Danil Bochkov, chuyên gia tại Hội đồng Các vấn đề quốc tế ở Moskva, nhận định.
Trung Quốc dường như cũng nhận thấy rằng vai trò trung gian hòa giải có thể trở thành cú hích để phương Tây gây sức ép lớn hơn với Bắc Kinh trong áp đặt lệnh trừng phạt Nga. Mỹ và các nước châu Âu khi đó sẽ không ngừng hối thúc Trung Quốc chứng minh cam kết theo đuổi mục tiêu chấm dứt xung đột bằng cách tăng áp lực Nga.
Trong kịch bản này, Bắc Kinh sẽ đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan, theo Lidarev. Nếu áp lệnh trừng phạt Nga, họ sẽ làm tổn hại quan hệ với Moskva và đánh mất nhiều lợi ích quan trọng, trong khi củng cố vị thế của đối thủ chính là Mỹ. Nếu không áp trừng phạt, Trung Quốc sẽ khiến mối quan hệ với phương Tây càng thêm căng thẳng.
"Cả hai lựa chọn đều có thể khiến Trung Quốc phải trả giá cao về chính trị và kinh tế", Lidarev cảnh báo.
Càng tham gia sâu hơn vào nỗ lực hòa giải, Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với nguy cơ thất bại lớn hơn nếu các bên không đạt được thỏa thuận. Đàm phán chấm dứt xung đột luôn là quá trình khó khăn và có cơ hội thành công không cao.
Lidarev cho rằng nếu hòa giải thất bại, tổn thất với Trung Quốc là khá lớn. Bắc Kinh sẽ bị đánh giá là không đủ ảnh hưởng ngoại giao và không thể đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu như mục tiêu mà ông Tập tìm kiếm. Lợi ích duy nhất mà Trung Quốc thu được là sự cải thiện chút ít về hình ảnh ở phương Tây và trở thành một cường quốc có trách nhiệm trong một thời gian ngắn.
"Trung Quốc khó có thể làm nhiều hơn nữa với nỗ lực trung gian đàm phán trong cuộc chiến Nga - Ukraine, ít nhất cho đến khi tình hình xung đột thay đổi đáng kể. Trong lúc đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục nói về vai trò kiến tạo hòa bình để vừa có thể kiềm chế Nga, vừa xoa dịu phương Tây", Lidarev nhận định.
Thanh Tâm (Theo EAF, Reuters, Nikkei Asia, DW)