Tôi biết một doanh nghiệp nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động đang bị thanh tra. Nguyên nhân chính là do chủ doanh nghiệp sử dụng tiền của công ty để mua nhà cho cháu nội, ngoại.
Công ty A này ( xin được giấu tên) là công ty gia đình, hoạt động hơn 20 năm trong nhóm ngành nghề độc hại, với quy mô hàng trăm lao động. Trên thị trường được đánh giá là doanh nghiệp có quy mô, chưa bao giờ bị nợ thuế. Tuy nhiên tiền lương trả cho công nhân thấp so với mặt bằng khu vực.
Ngoài ra công ty sử dụng nhiều thủ thuật để trốn đóng bảo hiểm xã hội, trốn tránh việc trả tiền phụ cấp độc hại cho người lao động. Khi nhân viên yêu cầu tăng lương thì ngay lập tức nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng.
Theo lời kể của nhân viên kế toán lâu năm (làm việc 15 năm và chuẩn bị nghỉ) cho thì gia đình ông chủ có bốn người con, mỗi người được chia một biệt thự và hai căn nhà cho thuê. Riêng vợ chồng ông chủ có một biệt thự và ba căn nhà cho thuê.
Ông chủ tuyên bố sẽ cho mỗi cháu nội, ngoại một căn nhà. 20 năm trước, chủ doanh nghiệp dùng căn nhà duy nhất ủy quyền cho công ty thế chấp vay vốn kinh doanh. Sau 5 năm thì trả hết nợ, chủ doanh nghiệp mượn tiền công ty mua căn nhà thứ hai đứng tên vợ, rồi ủy quyền cho công ty thế chấp để vay vốn kinh doanh.
Tiếp theo mỗi năm mua thêm một căn nhà đứng tên các con của ông và ủy quyền cho công ty thế chấp để vay vốn. Ở thời điểm thanh tra thì công ty đang sử dụng 5 biệt thự và 11 căn nhà thế chấp vay 200 tỷ đồng làm vốn kinh doanh.
Tiền gốc và lãi phải trả hàng năm là 60 tỷ, lớn gấp ba lần quỹ lương. Sự việc trở nên nghiêm trọng khi cuối năm 2022 người con thứ 4 của ông chủ sinh sinh đứa con thứ 3, ông ta mượn 10 tỷ của công ty để mua căn nhà thứ 12 cho cháu.
Thời điểm cuối năm đến hạn phải trả lãi và gốc nhưng chưa thu được tiền hàng nên quyết định cắt toàn bộ tiền thưởng Tết và thông báo cho một số người nghỉ không lương trong hai tháng.
Lẽ ra người lao động phải được chia sẻ lợi ích từ sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng chỉ bằng thủ thuật vay mượn và thông qua bất động sản để chuyển lợi nhuận sang người nhà của chủ doanh nghiệp. Đồng thời trốn được khoản thuế phải đóng (do giảm lợi nhuận).
Trong khi đó, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022 có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số lao động đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc, đây là những con số biết nói.
Ai cũng biết BHXH là kênh an sinh xã hội, là chỗ dựa cho người lao động lúc về hưu. Vì thế tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ngành chức năng cần có biện pháp thu hồi nợ bảo hiểm và chế tài với những doanh nghiệp chây ì nợ này.
Nhật Huy
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.