Đề xuất giảm mức hưởng BHXH một lần của cơ quan quản lý nhận được nhiều bình luận của độc giả VnExpress. Độc giả Nguyễn Anh Tuấn cho rằng nếu có cơ chế cho người lao động "vay" tiền BHXH thì sẽ hạn chế được việc rút một lần:
"Cần có cơ chế để người lao động có thể vay được đến 80% mức BHXH một lần được hưởng. Số BHXH một lần được hưởng còn lại dùng để tính trả lãi theo mức lãi suất mà BHXH gửi tiết kiệm lấy lãi suất.
Khi khoản vay và lãi của khoản vay bằng mức BHXH một lần được hưởng thì yêu cầu người lao động tất toán nếu không trả được khoản vay; còn người lao động trả được khoản vay và lãi trước khi khoản vay và lãi của khoản vay bằng mức BHXH một lần được hưởng thì khôi phục lại thời gian được tính đóng BHXH cho người lao động.
Tôi nghĩ giải pháp này tốt cho người lao động là được vay một khoản tiền trong giai đoạn khó khăn với lãi suất thấp từ chính khoản đóng góp của mình vào BHXH".
Đồng quan điểm trên, độc giả có nickname phuong dq:
"Người rút BHXH một lần phần lớn là người lao động có mức thu nhập không cao hoặc đang gặp khó khăn về thu nhập, phần còn lại là không muốn nhận lương hưu vì một lý do nào đó.
Nguồn lực BHXH là rất lớn, nhu cầu của người lao động là rất lớn, kết hợp hai vấn đề đó lại ta sẽ có bài toán và lời giải. Cụ thể:
- Người lao động được vay tiêu dùng, trả góp trên số dư BHXH, tỷ lệ cho vay tối đa theo số năm đóng BHXH, ví dụ: đóng 2 năm vay được 20%, đóng 5 năm vay được 40% số dư, đóng 10 năm vay được 70%...lãi suất vay bằng trần lãi suất huy động của NHNN, thời hạn vay tối đa 36 tháng.
Khi người vay không trả được nợ, phát sinh nợ quá hạn, sẽ trích phần còn lại của số dư BHXH để thu gốc lãi vay. Như vậy, sẽ hạn chế được phần nào vay tín dụng đen, vay công ty tài chính lãi suất cao, người lao động sẽ chủ động trong việc quản lý khoản đóng BHXH.
- BHXH sẽ có nguồn thu từ lãi vay, sau khi trừ đi các chi phí trong việc quản lý, nhân sự, phần lợi nhuận sẽ được đầu tư vào phúc lợi xã hội.
- Thời buổi công nghệ, việc phát triển ứng dụng hoặc tích hợp với VssID để theo dõi số dư quỹ BHXH, vay và trả nợ cá nhân là hoàn toàn khả thi.
>> 'Tăng tuổi nghỉ hưu để cân bằng quỹ Bảo hiểm Xã hội là không hợp lý'
Trước đó, Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Xã hội Quốc hội chiều 29/9, lãnh đạo BHXH Việt Nam, nói tính đến cuối năm 2021 tổng số nợ BHXH bắt buộc là hơn 10.200 tỷ đồng, 80% là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Trong đó, gần 30.000 doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài bỏ trốn, nợ tồn từ nhiều năm "rất khó đòi" với số tiền hơn 3.200 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 2.300 tỷ đồng, lãi phát sinh gần 930 tỷ đồng.
Nhiều độc giả cho rằng, thay vì tranh luận về rút BHXH một lần, nên tìm giải pháp để tránh doanh nghiệp chây ì, nợ tiền bảo hiểm.
Độc giả có nickname nghiepbg10: "Tại sao cơ quan BHXH không hướng đến mục tiêu quản lý tốt hơn việc đóng BHXH của các doanh nghiệp? Bao nhiêu doanh nghiệp hiện nay không nộp tiền BHXH dù đã trừ lương của người lao động, hoặc có đóng nhưng đóng ở mức tối thiểu không đúng quy định gây thiệt hại cho cả quỹ BHXH và người lao động?
Độc giả Nguyễn Văn Tuấn: "Bản thân tôi và rất nhiều bạn bè đã phải đi làm rất nhiều năm mà không được chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội. Không biết cơ quan quản lý có biết được tình trạng này không?
Chỉ cần làm tốt việc này, tôi chắc chắn quỹ bảo hiểm xã hội sẽ phát triển rất nhiều, và bản thân người lao động cũng yên tâm không rút BHXH một lần. Điều người lao động cảm thấy bất an nhất sau khi thất nghiệp là không biết khi xin vào một công ty mới, họ có còn được đóng bảo hiểm xã hội tiếp theo nữa hay không. Nếu biết chắc chắn sẽ được đóng bảo hiểm xã hội khi chuyển sang một công ty mới, người lao động sẽ không muốn rút bảo hiểm xã hội một lần đâu".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.