Tổng thống Mỹ Joe Biden vài tháng qua dành nhiều giờ đối thoại với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và nhiều lãnh đạo nước ngoài khác, những người không phải lúc nào cũng ủng hộ liên minh hỗ trợ Ukraine của phương Tây.
Tháng trước, Thủ tướng Modi đã gây bất ngờ trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi nói rằng "đây không phải là thời đại của chiến tranh". Bình luận của ông Modi khiến Nhà Trắng ngạc nhiên, bởi Ấn Độ từ lâu đã thể hiện quan điểm trung dung, không lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Dù không rõ điều này có phải do nỗ lực của ông Biden hay không, nó cho thấy Tổng thống Mỹ đang cố giữ vững điều được xem là sứ mệnh quan trọng trong nhiệm kỳ của ông: duy trì tinh thần hỗ trợ Ukraine cả trong và ngoài nước, cũng như ngăn chặn bất cứ vết nứt hay lỗ hổng nào trong liên minh này.
Những lổ hổng như vậy có nguy cơ xuất hiện ngày càng nhiều, khi cuộc chiến kéo dài chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi Mỹ và các đồng minh sắp bước vào mùa đông đầu tiên kể từ sau chiến sự Ukraine. Các đồng minh châu Âu của Mỹ ngày càng lo ngại về một mùa đông khó khăn và tàn khốc cũng như áp lực kinh tế do cuộc chiến gây ra, trong khi một số đảng viên Cộng hòa ở Mỹ bày tỏ hoài nghi về hàng tỷ USD viện trợ cho Kiev.
Ông Biden và các lãnh đạo nhóm G7 ngày 11/10 tổ chức họp trực tuyến và ra tuyên bố chung, cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và pháp lý cho Ukraine, tuyên bố "sẽ kề vai sát cánh với Kiev đến cùng".
![Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trại David, bang Maryland, hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/12/-7857-1665557347.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=izisQYUm2JPpR0gAcjDVTA)
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trại David, bang Maryland, hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.
Nhưng ngay cả khi Tổng thống Biden cố gắng duy trì liên minh toàn cầu, dư luận nước Mỹ lại đang ngày càng chia rẽ về nỗ lực viện trợ vũ khí, tài chính cho Ukraine. Những chia rẽ đó có thể sẽ mở rộng đáng kể nếu đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11.
Một cuộc thăm dò của Pew cho thấy tỷ lệ người Mỹ thực sự lo lắng về nguy cơ Ukraine thất bại đã giảm từ 55% hồi tháng 5 xuống 38% trong tháng 9. Trong số các đảng viên Cộng hòa và người ủng hộ phe Cộng hòa, 32% nói rằng Mỹ đã hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine. Tỷ lệ này hồi tháng 3 chỉ là 9%.
Một số quan chức Mỹ thừa nhận rằng dù bất ngờ với bình luận của ông Modi tháng trước, họ không cho rằng quan hệ Ấn - Nga sẽ có thay đổi mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, họ hy vọng những diễn biến mới trên chiến trường Ukraine sẽ khiến nhiều quốc gia châu Phi, Nam Mỹ và châu Á thay đổi quan điểm.
Nhưng con đường ngoại giao không dễ dàng. Các nước đang phát triển ở những khu vực này dễ bị tổn thương bởi giá nhiên liệu tăng và thiếu hụt lương thực toàn cầu do ảnh hưởng của xung đột. Ông Biden trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo các nước đã mất rất nhiều thời gian để lập luận rằng chính cuộc chiến và lệnh phong tỏa cảng biển của Nga gây ra những khó khăn trên, chứ không phải các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Xung đột Nga - Ukraine leo thang trong những tuần gần đây, sau hàng loạt sự kiện gây căng thẳng như Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh Ukraine, lệnh động viên lực lượng của Moskva, vụ nổ cầu Kerch ở bán đảo Crimea và cuộc tập kích tên lửa ồ ạt hôm 10/10 của Nga.
Giới chức Mỹ cho rằng giao tranh giữa hai bên sẽ hạ nhiệt trong mùa đông, khi thời tiết lạnh giá và mặt đất bùn lầy sẽ cản trở các hoạt động quân sự. Nhưng khi cả Nga và Ukraine đều tỏ rõ quyết tâm giành chiến thắng, các cuộc đàm phán dường như ngày càng đi vào ngõ cụt.
Nhà Trắng tới nay vẫn duy trì được sự ủng hộ của lưỡng đảng với một số gói viện trợ tài chính và vũ khí cho Ukraine. Song một số đảng viên Cộng hòa đã bắt đầu đặt câu hỏi về lý do Mỹ chi quá nhiều tiền cho một cuộc chiến ở một đất nước xa xôi bên kia bờ Đại Tây Dương.
OPEC+, nhóm gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng đối tác liên minh, trong đó có Nga và Arab Saudi, ngày 5/10 nhất trí giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ tháng 11. Quyết định này có khả năng khiến giá xăng dầu tăng trở lại và khiến người Mỹ thêm bất bình ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ.
"Duy trì ủng hộ của quốc hội và đông đảo công chúng Mỹ là điều mà chúng tôi đang nghĩ đến và nhận ra rằng thách thức sẽ ngày càng tăng theo thời gian", một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho hay.
Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, châu Âu cũng đang chạy đua tìm cách giải quyết khó khăn vì giá nhiên liệu cao trong mùa đông, đe dọa sự ủng hộ của các nước với Ukraine, dù hiện tại các lãnh đạo châu Âu vẫn chỉ trích gay gắt chiến dịch quân sự của Nga.
Tổng thống Biden và Tổng thống Ukraine Volydymyr Zelensky đã thường xuyên trao đổi kể từ khi xung đột bắt đầu với tần suất 2-3 tuần một lần, theo quan chức Nhà Trắng. Trong cuộc điện đàm ngày 10/10, ông Biden đã lên án cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga và cam kết cung cấp cho Ukraine "hỗ trợ cần thiết".
Nhưng không phải lúc nào mối quan hệ này cũng suôn sẻ.
Trong giai đoạn đầu xung đột, Tổng thống Zelensky đã nhiều lần công khai kêu gọi Mỹ và đồng minh phương Tây gửi thêm vũ khí cho Ukraine và áp thêm biện pháp trừng phạt Nga, ngay cả khi chính quyền ông Biden đã gửi một lượng viện trợ và vũ khí tối tân chưa từng có cho Kiev.
Là một chính trị gia, ông Biden hiểu Tổng thống Zelensky phải tìm mọi cách bảo vệ người dân của mình, nhưng ông cũng nói với người đồng cấp Ukraine rằng ông khó có thể tiếp tục yêu cầu quốc hội Mỹ chi thêm tiền nếu ông Zelensky liên tục đòi hỏi nhiều hơn, theo một cựu quan chức Nhà Trắng.
Tuy nhiên, khi được hỏi Mỹ có thể tiếp tục đổ tiền hỗ trợ Ukraine trong bao lâu, ông Biden và các trợ lý hàng đầu thường xuyên nói là "cho tới khi nào cần thiết".
Phía sau hậu trường, nhiều quan chức Mỹ nói rằng cả Nga và Ukraine đều không thể chiến thắng trong cuộc xung đột này, nhưng họ loại trừ ý định thúc đẩy Kiev ngồi vào bàn đàm phán. Họ nói cuộc chiến kết thúc như thế nào và vào thời điểm nào sẽ tùy thuộc vào quyết định của Ukraine.
"Chính Ukraine phải tự đưa ra quyết định. Công việc của chúng tôi chỉ là giúp đỡ họ có được vị thế tốt nhất trên chiến trường cho đến ngày họ chọn ngồi vào bàn đàm phán", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
![Những thiệt hại trên đường phố Kiev, Ukraine sau các vụ tập kích sáng 10/10. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/12/-9630-1665557347.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qnqzGs3ElpXUbxAIXdtpsQ)
Những thiệt hại trên đường phố Kiev, Ukraine sau các vụ tập kích sáng 10/10. Ảnh: AFP.
Giới chức Ukraine hiện nói rằng họ không muốn đàm phán, sau những thành công gần đây trên chiến trường. Sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine hồi đầu tháng, ông Zelensky đã ký sắc lệnh ngừng đàm phán với Nga một khi ông Putin vẫn nắm quyền. Moskva đáp trả bằng tuyên bố không chấm dứt các hoạt động quân sự nếu Kiev từ chối đàm phán.
Washington không hoàn toàn bất ngờ trước hành động của Nga, vì nhiều quan chức Mỹ đã thấy những dấu hiệu về việc Nga muốn sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine từ năm ngoái. Ông Biden đã yêu cầu Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cùng một nhóm chuyên gia thảo luận cách tiếp cận và các lựa chọn chính sách đối phó với Nga.
Ngày 21/9, khi ông Putin phát lệnh động viên một phần lực lượng và bày tỏ ủng hộ các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga, Tổng thống Biden có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ. Các cố vấn của ông Biden đã theo dõi phát biểu của ông Putin khi thông báo lệnh động viên để chỉnh sửa diễn văn sau đó của Tổng thống Mỹ. Trên đường tới trụ sở LHQ, ông Biden vẫn thảo luận với cố vấn Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken về nội dung phát biểu, nhằm lên án mạnh mẽ Nga.
Ned Temko, bình luận viên của CSMonitor, cho rằng những nỗ lực của ông Biden đã góp phần gắn kết một liên minh quan trọng trong nỗ lực ứng phó Nga, nhắc nhở các lãnh đạo hai bên bờ Đại Tây Dương về giá trị của đồng minh, đặc biệt là vào thời điểm khó khăn.
"Nhưng để duy trì sự gắn kết dài hạn hơn trong NATO và EU có thể là thử thách khó khăn", Temko viết. "Đối mặt với những hệ quả kinh tế ngày càng lớn từ cuộc chiến, các nước phương Tây sẽ phải trả lời câu hỏi 'Tôi trên hết, hay chúng ta trên hết'".
Thanh Tâm (Theo Washington Post, CSMonitor)