Sáng 10/10, vài tiếng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc bài phát biểu cáo buộc đặc nhiệm Ukraine thực hiện vụ "tấn công khủng bố" trên cầu Crimea, một trận mưa tên lửa trút xuống hàng loạt thành phố trên khắp nước này.
Cả ba thành phố lớn nhất nước gồm Kiev, thành phố Lviv ở phía tây và Kharkov ở phía đông bắc, cùng hàng loạt đô thị khác vốn yên bình trong nhiều tháng qua, đều hứng chịu loạt tên lửa trút xuống, khiến ít nhất 19 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương, nhiều tòa nhà chung cư, hạ tầng năng lượng bị hư hại.
Người dân tại Lviv ở miền tây lẫn Kharkov ở miền đông bị mất điện và nước nóng suốt nhiều giờ, do nhà máy nhiệt điện địa phương đều trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga sử dụng tên lửa và UAV nhắm vào dân thường cùng hạ tầng năng lượng quan trọng nhằm đẩy Ukraine "vào hoang mang và hỗn loạn". Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi chiến sự bùng phát, Nga công khai thừa nhận nhắm mục tiêu vào các cơ sở dân sự Ukraine.
Igor Girkin, cựu sĩ quan tình báo Nga, nhận định rằng chiến thuật trút mưa tên lửa tập kích hạ tầng trọng yếu có thể tác động phần nào đến tình hình chiến trường Ukraine trong thời gian tới.
Chiến thuật này có thể buộc quân đội Ukraine dành nhiều nguồn lực phòng không hơn cho hậu phương, kéo giảm đà tiến công của các mũi phản kích chủ lực ở miền đông và miền nam.
"Tác động sẽ không xuất hiện ngay lập tức, mà sẽ rõ ràng hơn sau vài tuần nữa, với điều kiện các đợt tập kích diễn ra liên tục và có hệ thống, nhắm vào những mục tiêu giá trị", Girkin viết.
Theo Girkin, các đợt tập kích tên lửa được tiến hành đều đặn sẽ góp phần "chia lửa" cho lực lượng Nga đang chống đỡ đà phản công của Ukraine, trong bối cảnh Moskva đang nỗ lực huy động lực lượng dự bị và cần thời gian huấn luyện, trang bị đội quân này.
Gustav Gressel, chuyên gia quân sự tại tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) ở Bỉ, cũng đưa ra nhận định tương tự về tác động của đòn tập kích tên lửa với tình hình chiến trường Ukraine.
Theo ông, trong giai đoạn đầu chiến sự, Ukraine đã tổ chức lưới phòng không đa tầng dày đặc ở Kiev, cho phép họ đánh chặn thành công nhiều tên lửa tầm xa Nga. Nhưng trong những tháng gần đây, cục diện chiến trường thay đổi, khiến Ukraine điều chuyển phần lớn nguồn lực phòng không từ phía tây sang phía đông nhằm yểm trợ cho các mũi phản công.
"Lưới phòng không ở miền tây Ukraine lúc này trở nên mỏng hơn, khiến năng lực đánh chặn bị hạn chế khi Nga tiến hành đợt tập kích bất ngờ ngày 10/10", ông nhận định.
Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny cho biết Nga phóng ít nhất 83 tên lửa trong đợt tập kích, trong đó phòng không Ukraine đánh chặn thành công 43 mục tiêu.
Yuriy Ignat, người phát ngôn Bộ tư lệnh Không quân Ukraine, nói Nga đã sử dụng hàng loạt vũ khí với độ chính xác cao như tên lửa Kh-101, Kh-555, Iskander, S-300 và rocket Tornado. Một số vũ khí được phóng từ máy bay ném bom chiến lược hoạt động trong vùng Caspian, số khác được khai hỏa trên các chiến hạm ở Biển Đen.
Tuy nhiên, Rob Lee, chuyên gia quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) ở Mỹ, nhận định nguồn lực tên lửa hạn chế có thể khiến Nga không thể duy trì chiến thuật tập kích này trong thời gian dài.
Chuyên gia người Mỹ đánh giá Nga vẫn còn tên lửa hành trình và tên lửa dẫn đường chính xác trong kho dự trữ, nhưng không phải là vô tận, trong bối cảnh Moskva gặp nhiều khó khăn về nguồn cung linh kiện, thiết bị công nghệ cao do lệnh trừng phạt của phương Tây.
"Trong giai đoạn đầu chiến sự, Nga từng sử dụng phổ biến các loại tên lửa công nghệ cao, nhưng tần suất khai hỏa giảm đáng kể trong mùa hè và đầu mùa thu, khi nguồn lực vũ khí Nga dần cạn", ông nói, cảnh báo điều này có thể lặp lại trong thời gian tới.
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay thông báo tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn bằng vũ khí tầm xa có độ chính xác cao vào các cơ sở chỉ huy và hệ thống năng lượng của Ukraine. Tuy nhiên, quy mô đợt tấn công này được đánh giá là không lớn như hôm qua.
Theo Gorkin, giới lãnh đạo Kiev nhiều khả năng cũng nhận thức rõ mục đích "chia lửa" của Nga cho mặt trận phía đông bằng các đợt tập kích tên lửa. Ông dự báo Ukraine sẽ thúc giục đồng minh phương Tây tăng viện trợ các khí tài phòng không hiện đại để đối phó tên lửa Nga, đồng thời tiếp tục duy trì sức ép ở miền đông.
"Các mũi phản công của quân đội Ukraine nhiều khả năng sẽ đẩy nhanh các mũi tiến công trong thời gian ngắn, mở thêm một đến hai đợt phản kích quy mô lớn trước cuối tháng 10 nhằm đối phó với chiến thuật mới của Nga", Gorkin nhận định.
Thanh Danh (Theo FT, AP)