Trong chưa đầy một tháng, giao tranh ở Ukraine đã đột ngột chuyển từ thế trận chiến tranh tiêu hao dai dẳng, được dự đoán có thể kéo dài qua mùa đông, sang một cuộc xung đột nhiều cấp độ, leo thang nhanh chóng, thách thức các chiến lược của phương Tây trước Nga.
Quân đội Nga ngày 10/10 phát động đợt tấn công quy mô lớn bằng tên lửa vào hàng loạt thành phố Ukraine, trong đó có cả thủ đô Kiev, những nơi nằm xa chiến tuyến. Giới chức Ukraine cho biết vụ tập kích đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và gần 100 người bị thương, khiến nhiều khu vực của nước này bị mất điện, nước và khí đốt sưởi ấm.

Người dân bước ra khỏi một tòa nhà bị hư hại sau cuộc tập kích của Nga ở thành phố Sloviansk, vùng Donetsk, miền đông Ukraine, hôm 10/10. Ảnh: AP.
Theo giới chuyên gia, cuộc tập kích đã làm thay đổi bản chất và nhịp độ của xung đột Nga - Ukraine trong những tuần gần đây, đặt ra câu hỏi liệu Mỹ và các đồng minh phương Tây khác có nên can thiệp nhiều hơn để giúp Kiev đạt được một chiến thắng quyết định, thay vì chỉ hỗ trợ họ tự vệ trước Moskva.
Viktor Bondarev, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, đã viết trên Instagram rằng cuộc tấn công chỉ là khởi đầu "cho một giai đoạn mới" trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, với nhiều hành động "kiên quyết" hơn sẽ được thực hiện trong tương lai.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh báo vụ tập kích tên lửa ở Ukraine mới chỉ là "khởi đầu" và cảnh báo những đợt tấn công tiếp theo.
Phát biểu trước Hội đồng An ninh, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các cuộc tập kích tên lửa nhằm đáp trả cho cái mà ông gọi là hành động "khủng bố" của Ukraine trong vụ nổ cầu Crimea. Moskva cáo buộc Kiev gây ra vụ nổ hồi cuối tuần trước trên cầu Crimea, tuyến đường hậu cần quan trọng cho các lực lượng Nga đang chiến đấu ở miền nam Ukraine.
Đến nay, nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraine luôn được Mỹ và các đồng minh cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm tuân thủ ưu tiên cao nhất là tránh một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và phương Tây.
Giới chức Mỹ hiện vẫn tỏ ra thận trọng về khả năng họ thực hiện một động thái quyết đoán hơn đối với Nga trên chiến trường Ukraine.
"Những bước ngoặt trong xung đột thường là những thay đổi nguy hiểm. Bạn không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra xung quanh nó", một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Joe Biden cho hay.
Cuộc tập kích tên lửa của Nga rõ ràng là dấu hiệu về một bước ngoặt như vậy, giới quan sát đánh giá.
Dù đã nhận được nhiều vũ khí viện trợ từ phương Tây, Kiev vẫn cho rằng chúng tới tay họ chưa kịp thời. Vụ tập kích tên lửa của Nga cho thấy một bước leo thang đáng kể, đặt Mỹ và châu Âu dưới áp lực phải đẩy nhanh tốc độ chuyển các vũ khí tiên tiến nhất cho Ukraine.
Dù lên án gay gắt hành động của Nga cũng như cam kết duy trì ủng hộ Ukraine, hiện chưa rõ các lãnh đạo Mỹ và châu Âu có thể đẩy nhanh tốc độ chuyển giao như thế nào.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 10/10, Tổng thống Biden cam kết tiếp tục cung cấp cho Ukraine "hỗ trợ cần thiết để tự vệ, trong đó có các tổ hợp phòng không tiên tiến", song không nêu chi tiết loại khí tài. Ông cũng cho rằng cuộc tấn công chỉ "củng cố thêm cam kết" của Washington và đồng minh trong nỗ lực hỗ trợ Kiev.
Hồi đầu tháng 7, Mỹ thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine hai tổ hợp phòng không được gọi là Tổ hợp Phòng không Tiên tiến của Na Uya (NASAMS). Chúng sẽ được Mỹ chế tạo thay vì lấy từ trong kho hiện có. Lầu Năm Góc tháng trước cho hay phần lớn công việc chuyển giao các tổ hợp NASAMS đang được hoàn tất.
Một quan chức quốc phòng Mỹ hôm qua nói rằng chúng "sẽ đến tay Ukraine trong vài tuần tới, khi hệ thống đã sẵn sàng và quá trình huấn luyện sử dụng hoàn tất".
Tuy nhiên, quan chức này cho biết thêm 6 hệ thống NASAMS khác "có thể mất vài năm để hoàn thành và chuyển giao". Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm tăng cường năng lực phòng không của Ukraine.
Ngay cả trước cuộc tập kích tên lửa của Nga, các quan chức hàng đầu Ukraine đã liên tục nhấn mạnh rằng họ cần được củng cố lưới phòng không, vốn đã suy giảm đáng kể sau hơn 7 tháng xung đột.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter hôm 9/10 rằng nước này "cần khẩn cấp các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại", kêu gọi các đối tác tăng tốc độ chuyển giao vũ khí.

Một tòa nhà bị hư hại nặng bởi cuộc tập kích tên lửa của Nga ở Zaporizhzhia, đông nam Ukraine, ngày 10/10. Ảnh: Reuters.
Vụ tấn công mới nhất của Nga và cảnh báo leo thang hành động quân sự của các quan chức cấp cao cho thấy Ukraine hoàn toàn có lý do khi đưa ra lời kêu gọi như vậy. Quân đội nước này cho hay lưới phòng không Ukraine đã đánh chặn 43 trong 83 tên lửa Nga phóng về phía họ trong vụ tập kích hôm qua.
Ngay sau cuộc tập kích, Tổng thống Zelensky đã điện đàm khẩn cấp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhằm thảo luận về hỗ trợ khí tài phòng không cùng những viện trợ quân sự khác.
Bộ Quốc phòng Đức ngày 10/10 thông báo tổ hợp đầu tiên trong 4 hệ thống phòng không IRIS-T mà Berlin đã hứa viện trợ sẽ đến tay Kiev trong "vài ngày tới". Ngoại trưởng Annalena Baerbock cũng trấn an rằng Đức đang "làm mọi thứ có thể" để nhanh chóng củng cố sức mạnh cho Ukraine.
Đức đã chi viện cho Ukraine một số vũ khí hiện đại, trong đó có pháo phòng không tự hành Gepard, nhưng chưa đạt mức kỳ vọng của Kiev lẫn Washington. Giới lãnh đạo Ukraine muốn Đức sớm hỗ trợ thêm xe tăng chiến đấu chủ lực cùng thiết giáp.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky, Tổng thống Macron cam kết tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, trong đó có nhiều thiết bị quân sự hơn. Dù vậy, Pháp đang đối mặt câu hỏi về mức độ cam kết của họ đối với những lời hứa viện trợ Ukraine.
Báo cáo gần đây của Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho thấy trong nỗ lực chuyển giao vũ khí cho Ukraine, Pháp đã chi ít hơn so với các quốc gia nhỏ bé hơn nhiều ở châu Âu như Estonia hay Cộng hòa Czech.
Pháp chỉ đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng những nhà cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine hồi tháng 8, kết quả được coi là không tương xứng với quốc gia tự nhận là cường quốc quân sự hàng đầu Liên minh châu Âu (EU), các nhà phê bình nhận định.
Ukraine quan tâm đến các hệ thống phòng không mà quân đội Pháp sử dụng, trong đó có hệ thống SAMP/T. Tờ Le Monde đưa tin một lý do khiến Paris do dự khi chuyển vũ khí cho Kiev là bởi kho dự trữ của họ rất hạn chế.
Các quan chức chính phủ Pháp phủ nhận việc nước này chưa viện trợ đủ lớn cho Ukraine, giải thích rằng có những khoản hỗ trợ không được công bố. Họ cũng lập luận rằng vũ khí Pháp cung cấp cho Ukraine, trong đó có 18 khẩu pháo tự hành CAESAR, đều là những bổ sung quan trọng trên chiến trường.
Nhưng những chỉ trích rằng Pháp tụt hậu so với các đồng minh nhỏ hơn trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine dường như không khỏi khiến Điện Elysee cảm thấy bận tâm. Khi Tổng thống Macron gặp các lãnh đạo EU ở Praha, Cộng hòa Czech, hôm 7/10, ông đã tuyên bố thành lập một quỹ trị giá 100 triệu euro (97 triệu USD) cho phép Ukraine tự mua thiết bị quân sự.
Quỹ này bổ sung vào khoảng 230 triệu USD mà Pháp đã cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng kém xa so với hơn 17 tỷ USD mà chính quyền Biden đã chuyển giao cho Kiev kể từ tháng hai.
Không riêng Đức hay Pháp, các cường quốc châu Âu khác cũng đang đối mặt chung bài toán về viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Sau gần 8 tháng hỗ trợ Ukraine, kho vũ khí của các nước châu Âu gần như đã cạn kiệt. Phần lớn khí tài được chuyển giao những tháng qua thuộc diện vũ khí thế hệ cũ, đã qua bảo dưỡng và nâng cấp.
Từ bỏ số vũ khí này có lẽ không phải là quyết định quá khó khăn đối với các nước châu Âu ủng hộ Ukraine, theo Vox, song chuyển giao những vũ khí hiện đại thế hệ mới lại là câu chuyện khác. Lời thúc giục của Ukraine đặt các nước phương Tây vào tình thế cần suy xét kỹ về tác động an ninh dài hạn, khi phải chấp nhận hy sinh tiềm lực quân sự của mình để hỗ trợ Kiev.
Nghị sĩ Dân chủ Elissa Slotkin, cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, cho rằng Mỹ nên cân nhắc cung cấp các khẩu đội tên lửa Patriot và hệ thống phòng không C-RAM cho Ukraine. C-RAM là hệ thống đã giúp bảo vệ các căn cứ Mỹ ở Trung Đông khỏi hỏa lực tên lửa, pháo và súng cối.
"Đẩy nhanh tốc độ chuyển giao thiết bị đã hứa là điều cần thiết để bảo vệ Ukraine", bà nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, Vox)