"Lỗ hổng" trong lưới phòng không Ukraine một phần bắt nguồn từ thách thức công nghệ mà bất kỳ quốc gia nào cũng có thể phải đối mặt khi đối phó với tên lửa hành trình, vốn có khả năng bay bám địa hình và áp đảo những hệ thống phòng không có nguồn lực hạn chế, theo bình luận viên Michael Gordon của WSJ.
Phần lớn khí tài phòng không trong biên chế quân đội Ukraine thừa hưởng từ Liên Xô, trong đó có các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Strela-10, Tunguska, Osa và Tor, tầm trung Buk và tầm xa S-300. Đây đều là những khí tài theo chuẩn Liên Xô và lực lượng Nga nhiều khả năng cũng nắm rõ ưu nhược điểm của chúng.
Các tên lửa chuẩn Liên Xô trong lưới phòng không Ukraine hiện nay có thể phát huy hiệu quả khi chống lại máy bay chiến đấu và trực thăng, song đối phó tên lửa hành trình và đạn đạo là thách thức lớn hơn rất nhiều.
Nhiệm vụ đánh chặn trở nên đặc biệt khó khăn khi các tên lửa này nhắm mục tiêu vào lưới điện Ukraine cùng những cơ sở hạ tầng năng lượng khác ở các khu vực đông dân cư, theo tướng không quân Mỹ về hưu, cựu chỉ huy NATO Philip Breedlove. Những mục tiêu này trải rộng ở nhiều khu vực, khiến phòng không Ukraine khó có đủ lực lượng để bố trí khí tài bảo vệ.
Breedlove nhận định các hệ thống phòng không hiện tại của Ukraine "đã có tác động lớn" trong đối phó những cuộc tấn công từ trực thăng và chiến đấu cơ Nga. "Nhưng chúng không được trang bị tốt để phòng thủ trước tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình", ông nói.
Michael Kofman, nhà phân tích quân sự Nga tại tổ chức nghiên cứu CNA, trụ sở ở Virginia, Mỹ, lưu ý một hệ thống phòng không đa tầng hiệu quả đòi hỏi phải có các tổ hợp giúp ngăn chặn mối đe dọa ở những độ cao khác nhau. Xây dựng lưới phòng không phức tạp như vậy là mục tiêu đầy tham vọng và Ukraine thực sự chưa đủ khả năng.
"Để chống lại các cuộc tấn công từ trên không một cách hiệu quả đòi hỏi phải bố trí nhiều hệ thống phòng thủ có tầm bắn khác nhau để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine", ông nói. "Dễ dàng nhận thấy nỗ lực của phương Tây nhằm trang bị hệ thống phòng không cho Ukraine đã tụt hậu và chúng sẽ chỉ đạt được những bước phát triển có ý nghĩa trong vài tháng tới".
Sau trận "mưa tên lửa" của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã kêu gọi Mỹ cùng các đồng minh phản ứng bằng cách cung cấp cho Kiev nhiều hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hơn.
Các quan chức Ukraine trước đây từng kêu gọi Mỹ cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa để có thể tập kích những căn cứ mà Nga đang sử dụng để triển khai máy bay không người lái (UAV) trên chiến trường. Tuy nhiên, yêu cầu này đến nay vẫn bị Mỹ từ chối vì chính quyền Biden lo ngại nó có thể gây ra xung đột lớn hơn với Nga.
Ukraine tuyên bố đã đánh chặn được 43 trong 84 tên lửa mà Nga phóng vào các thành phố của nước này hôm 10/10, tiêu diệt 13 UAV kiểu tự sát. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho hay cuộc tập kích ngày 10/10 chỉ là "khởi đầu".
Quân đội Ukraine cho biết Nga hôm 11/10 tiếp tục tập kích vào các cơ sở năng lượng của nước này bằng 66 tên lửa, UAV các loại, trong đó 33 quả đạn bị bắn hạ.
Để củng cố năng lực phòng không cho Ukraine, Lầu Năm Góc thông báo Mỹ sẽ chuyển hai Hệ thống Tên lửa Phòng không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS) cho Kiev trong vòng hai tháng tới. 6 tổ hợp NASAMS khác cũng đang được chế tạo cho Ukraine, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay có thể mất 18 tháng để hoàn thành và chuyển giao chúng.
NASAMS do tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy và Raytheon của Mỹ hợp tác phát triển, bắt đầu đưa vào biên chế từ năm 1998 và đang phục vụ trong quân đội 9 nước. Nó được ca ngợi là hệ thống tên lửa phòng không "đáng tin cậy nhất" của Mỹ, trở thành tổ hợp phòng không cố định duy nhất được Mỹ triển khai bảo vệ không phận thủ đô Washington.
Washington đến nay chưa có kế hoạch chuyển cho Kiev các hệ thống tên lửa phòng không Patriot do thiếu hụt nguồn cung. Đây là hệ thống mà Mỹ và các đồng minh sử dụng để bảo vệ những căn cứ không quân và cơ sở quân sự quan trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10/10 điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky, cam kết sẽ cung cấp "các hệ thống phòng không tiên tiến" cho Ukraine, nhưng không công bố chi tiết.
Nhà Trắng không cho biết liệu Mỹ sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển giao hệ thống NASAMS hay tăng cường viện trợ các hệ thống phòng không khác cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cũng dự kiến gặp các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels, Bỉ, vào cuối tuần này để thảo luận về nhu cầu vũ khí trong tương lai của Ukraine.
Ukraine đến nay đã nhận được nhiều loại vũ khí phòng không khác nhau từ thời Liên Xô và cả của phương Tây. Slovakia đã cung cấp cho nước này hệ thống phòng không S-300 và Đức chuyển giao pháo phòng không tự hành Gepard, song chúng chỉ hiệu quả khi chống lại UAV chứ không phải tên lửa hành trình.
Tờ Spiegel của Đức đưa tin Berlin ngày 11/10 cũng đã chuyển giao tổ hợp phòng không tầm trung IRIS-T SLM đầu tiên cho quân đội Ukraine. Động thái này khiến Ukraine sở hữu hệ thống IRIS-T trước cả quân đội Đức.
Bên cạnh đó, Mỹ, Anh, Ba Lan và một số quốc gia khác cũng cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không vác vai như Stinger hay MANPADS, song chúng chủ yếu chỉ được dùng để đối phó máy bay tầm thấp.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng IRIS-T, cũng như hệ thống NASAMS được Mỹ hứa cung cấp, là bước tiến đáng kể so với những loại tên lửa phòng không vác vai được phương Tây viện trợ cho Ukraine trong những tháng qua.
Ben Hodges, trung tướng quân đội Mỹ về hưu, người từng là chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ ở châu Âu từ năm 2014 đến 2017, dự đoán Nga có thể dần cạn kho tên lửa dẫn đường chính xác trong thời gian tới, khiến quân đội nước này bị hạn chế đáng kể về phương án tập kích tầm xa vào Ukraine. Tuy nhiên, ông lưu ý thêm rằng hiện không thể chắc chắn quy mô kho dữ trữ tên lửa của Nga lớn đến đâu.
Thách thức trong nỗ lực bảo vệ các thành phố đã làm tăng thêm nhu cầu của Ukraine đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh mẽ hơn, ông cho hay.
Loạt cuộc tập kích tên lửa của Nga cho thấy Ukraine "cần nhiều hơn so với những gì chúng ta nghĩ ban đầu", Hodges nói. "Chúng tôi phải tìm cách nâng cao năng lực cho Kiev ngay bây giờ, đồng thời bắt đầu một chương trình huấn luyện dài hạn cho các binh sĩ cách vận hành khí tài phòng không hiện đại".
Thomas Karako, chuyên gia về phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định các cuộc tập kích của Nga cũng cho thấy Mỹ và đồng minh cần cải thiện năng lực phòng thủ trước tên lửa hành trình.
"Đây là điều sẽ xảy ra khi bạn đối đầu với một cường quốc sở hữu năng lực tên lửa mạnh, trong khi hệ thống phòng không của bạn vẫn còn nhiều lỗ hổng", ông nói. "Đó là lời nhắc nhở phương Tây về năng lực phòng không nói chung và khả năng ứng phó tên lửa hành trình nói riêng".
Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)