Nhưng người Mỹ đã làm điều đó. "Thật đau đớn", Obama sau đó thừa nhận.
4 năm sau, Obama trở lại với Đại hội đảng Dân chủ bằng bài phát biểu trực tuyến từ Bảo tàng Cách mạng Mỹ ở Philadelphia tối 19/8. Sau khi chứng kiến người kế nhiệm Donald Trump phá bỏ nhiều di sản của mình, Obama cũng sốt ruột về chiến dịch tranh cử năm nay nhiều như Joe Biden, người từng là phó tướng của ông. Ông coi cuộc bầu cử năm nay là cơ hội thứ hai để cứu lấy di sản của mình.
Obama không chỉ coi cuộc bầu cử năm nay là cơ hội để khôi phục các chương trình và thỏa thuận quốc tế mà Trump đã từ bỏ, nó còn để viết lại câu chuyện về nước Mỹ và các giá trị của đất nước. Obama và các đồng minh trong nhiều năm đã thúc đẩy quan điểm rằng việc ông được bầu làm tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ chứng tỏ sự thay đổi lớn của đất nước.
Tuy nhiên, quan điểm đó bị xói mòn vì sau khi ông rời nhiệm sở và người Mỹ chọn một Tổng thống mới hoàn toàn trái ngược với ông. Bài phát biểu hôm 19/8 của Obama muốn chứng minh rằng Trump chỉ là một nhân tố bất thường không tồn tại được lâu trong nền chính trị Mỹ và Biden là người giúp ông làm điều đó.
"Obama và nhiều trợ lý của ông tin rằng đất nước có thể phục hồi sau 4 năm Trump cầm quyền, nhưng nếu để Trump nắm quyền thêm 4 năm nữa, thiệt hại sẽ không thể cứu vãn", Jen Psaki, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng dưới thời Obama, nói. "Obama thấy đây là vấn đề rất cấp bách".
Mục tiêu chính trong bài phát biểu 15 phút của Obama dường như không phải là ca ngợi Biden mà là chỉ trích Trump. "Tôi cứ nghĩ rằng ông ấy sẽ đảm nhận công việc một cách nghiêm túc. Nhưng ông ấy chưa bao giờ làm vậy", Obama nói và cáo buộc Trump "không sử dụng quyền lực để giúp đỡ bất kỳ ai ngoài bản thân và bạn bè của mình, chỉ coi việc làm tổng thống như một chương trình truyền hình thực tế để gây chú ý".
"Donald Trump không điều chỉnh bản thân cho phù hợp với công việc vì ông ấy không làm được điều đó", Obama nói. "Và hậu quả rất nghiêm trọng: 170.000 người Mỹ chết. Hàng triệu việc làm bốc hơi. Những căng thẳng tồi tệ nhất của đất nước bộc phát, danh tiếng đáng tự hào của chúng ta trên toàn thế giới giảm sút nghiêm trọng, các thể chế dân chủ bị đe dọa hơn bao giờ hết".
Biden thường nhấn mạnh quãng thời gian ông làm phó tổng thống dưới quyền Obama khi đi vận động tranh cử, nhằm thu hút những cử tri trẻ tuổi và đặc biệt là người Mỹ gốc Phi, nhóm cử tri đã giúp ông giành chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ.
Dù đã từ nhiệm gần 4 năm, Obama vẫn là một trong những chính trị gia được yêu thích nhất ở Mỹ. Một cuộc thăm dò mới của Politico và Morning Consult cho thấy 58% người Mỹ có thiện cảm với ông, đứng thứ nhì trong danh sách 28 người có ảnh hưởng chính trị được khảo sát, chỉ sau vợ ông, Michelle, người nhận tỷ lệ 60%. Trong khi đó, tỷ lệ của Biden là 46%, còn Trump là 39%.
Dù vậy, lịch sử cho thấy các tổng thống Mỹ không phải lúc nào cũng có thể giúp người mình hậu thuẫn được "yêu mến lây". Các cố vấn cho biết mặc dù có quan hệ rất thân thiết với Biden, Obama vẫn lo lắng về cơ hội đắc cử của cựu phó tướng.
Mong muốn chứng kiến Trump bị đánh bại của Obama có thể còn mạnh mẽ hơn quyết tâm giúp sức cho Biden, nhất là khi giữa hai người có những bất hòa cá nhân. Trump từng thúc đẩy thuyết âm mưu Obama sinh ra ở châu Phi nên không đủ tư cách làm tổng thống Mỹ. Trong những tháng gần đây, Trump cáo buộc cựu tổng thống do thám chiến dịch tranh cử của ông năm 2016 và thậm chí còn cho rằng người tiền nhiệm đã phạm tội "phản quốc".
Sự chú ý của Trump dành cho Obama mang tính chiến lược. Ông muốn khiến công chúng bớt thiện cảm với cựu tổng thống và từ đó giảm sự ủng hộ cho Biden.
"Tôi nghĩ Tổng thống Trump thấy lá bài mạnh nhất của Biden là ông ấy từng làm việc cho Obama. Nếu Joe cứ vin vào các thành tựu của Obama thì Trump sẽ cho mọi người thấy thấy rằng Obama không tốt đẹp như nhiều người nghĩ", Christopher Ruddy, giám đốc điều hành của Newsmax và là một người bạn của Trump, cho biết.
Obama và đội ngũ của mình đã dành nhiều thời gian để tự hỏi mọi thứ đã chệch hướng ở đâu khi Trump đắc cử năm 2016, tự hỏi liệu họ có đánh giá sai bầu không khí của đất nước và thành tựu của chính mình không. Những người khác thì cho rằng Obama đã không có hành động đủ quyết đoán để "ngăn chặn Nga can thiệp bầu cử".
Một báo cáo tại thượng viện được công bố trong tuần này cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 với mục tiêu giúp Trump đắc cử và chiến dịch của Trump cũng sẵn lòng nhận giúp đỡ, mặc dù công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller không tìm được đủ bằng chứng để cáo buộc Trump thông đồng với Nga. Trump đã bác bỏ những kết luận như vậy, coi nó là "trò lừa bịp" các đảng viên Dân chủ vẽ ra để bôi nhọ ông. Nga cũng nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Mỹ.
Đối với Obama, ngày 19/8 là cơ hội để sửa chữa những gì ông coi là sai lầm của 4 năm trước. Nhưng bài phát biểu cũng chỉ là một bài phát biểu, nó chỉ là một trong 75 đêm còn lại cho đến ngày bầu cử 3/11. "Điều có thể cứu vãn di sản của Obama không phải là bài phát biểu này mà là liệu Biden có đắc cử hay không", David Greenberg, nhà sử học tại Đại học Rutgers nói.
Phương Vũ (Theo NYTimes)